Hội thảo Nâng cao năng lực thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp

17/08/2010

Ngày 16 - 17.8, tại Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực thực hiện chức năng giám sát của Ủy ban Tư pháp và HĐND cấp tỉnh đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các chủ đề: cơ sở pháp lý về quyền giám sát của Ủy ban Tư pháp và HĐND cấp tỉnh đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; thực trạng giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp trong thời gian qua; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; vai trò của Ban Pháp chế trong việc giúp HĐND cấp tỉnh giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp... Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, Ủy ban Tư pháp và HĐND cấp tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp. Chất lượng giám sát từng bước được nâng lên, công tác giám sát được tiến hành chủ động và thu được nhiều kết quả thiết thực. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan hữu quan tiếp thu, kịp thời giải quyết, góp phần khắc phục những thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban Tư pháp và HĐND cấp tỉnh có thêm những căn cứ thực tiễn phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách trong lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là giám sát hoạt động tư pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Một trong những nguyên nhân chính là do cơ sở pháp lý bảo đảm quyền giám sát hoạt động các cơ quan tư pháp chưa hoàn thiện, nhất là các quy định về quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh còn sơ sài, chưa quy định cụ thể và thống nhất quy trình, thủ tục giám sát... Việc giám sát được thực hiện chủ yếu bằng “tinh thần và trách nhiệm”, do đó khó bảo đảm hiệu quả giám sát.

 

Để nâng cao năng lực giám sát của Ủy ban Tư pháp và HĐND cấp tỉnh đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhiều đại biểu đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền giám sát của Ủy ban Tư pháp và HĐND cấp tỉnh đối với các hoạt động của cơ quan tư pháp theo hướng quy định cụ thể hơn thẩm quyền, phạm vi giám sát, hình thức, cách thức tiến hành giám sát, hệ quả pháp lý sau giám sát, nhất là trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Cần nghiên cứu ban hành Luật về hoạt động giám sát của HĐND, trong đó tập trung làm rõ khái niệm hoạt động giám sát của HĐND, bao gồm giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp; phân định rõ thẩm quyền giám sát của từng chủ thể; quy định chặt chẽ, cụ thể hóa về mối quan hệ phối hợp trong hoạt động giám sát giữa HĐND với Mặt trận Tổ quốc, Đoàn ĐBQH. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giám sát cho các ban của HĐND cấp tỉnh nói chung và Ban Pháp chế nói riêng...

H.Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác