Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH của Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây cho biết: kinh tế của tỉnh đang phục hồi và có bước tăng trưởng khá so với năm 2009. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 ước đạt trên 10%. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, năng suất và chất lượng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện. An sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch kinh tế của tỉnh còn chậm. Tình hình xâm nhập mặn hàng năm chưa được khắc phục triệt để, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Nuôi trồng thủy sản phát triển chưa bền vững, nhất là những đối tượng nuôi mới... UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính trong việc thực hiện các mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nguồn vốn, phê duyệt đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên điạ bàn tỉnh, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Ban hành chính sách cụ thể hơn nữa về hỗ trợ tài chính đầu tư cho các dự án thủy lợi tại địa phương, phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và chống xâm nhập mặn trên địa bàn...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong việc vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn; ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Bến Tre; cơ bản nhất trí với trọng tâm đầu tư phát triển của tỉnh trong thời gian tới là cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn. Bến Tre cần tiếp tục củng cố phát triển nông nghiệp bền vững; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đầu tư phát triển trên địa bàn, hướng tới mục tiêu phát triển ổn định; cân đối chi tiêu trong đầu tư phát triển phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương; vận dụng linh hoạt cơ chế tạm mượn, tạm vay, tạm ứng. Đẩy mạnh mô hình kinh tế hợp tác xã nhằm phát huy hết nội lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương, nhằm cụ thể hóa Đề án xây dựng 4 tỉnh trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.