Thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Yên Bái xác định: đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 34 doanh nghiệp và chi nhánh của các công ty có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được cấp giấy giới thiệu xuống các huyện để tuyển chọn, tư vấn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2007 đến tháng 6.2010, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 2.000 người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn thấp; nhận thức của người lao động địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế...
UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị, Chính phủ cho phép áp dụng các chính sách của Quyết định 71/2009/QĐ – TTg cho người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động thuộc diện con thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng ở các huyện vùng thấp; tăng mức tín dụng cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ ngành lao động, thương binh và xã hội...
Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tỉnh Yên Bái; cho rằng, những kiến nghị này là cơ sở để Đoàn giám sát nghiên cứu, tổng hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Yên Bái cần nghiên cứu các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Xây dựng kế hoạch dài hạn đối với chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị định 71/2009/QĐ- TTg của Chính phủ; tiếp tục xây dựng quy chế chặt chẽ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với địa phương và doanh nghiệp.