Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

06/08/2010

Ngày 5.8, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo: thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 2, Điều 70 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 13 văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Các văn bản này hiện đã được triển khai thực hiện. Bộ đã đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu, từng bước mở rộng thị trường cả về địa bàn lẫn ngành nghề. Năm 2008, mặc dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng ta vẫn giữ được các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống và phát triển thêm được một số thị trường mới. Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện thận trọng, làm thí điểm để rút kinh nghiệm sau đó mới từng bước mở rộng. Bộ cũng đã phối hợp với các bộ, ngành ban hành một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài như chính sách vay vốn, xác nhận lý lịch tư pháp...; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, kịp thời xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

 

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ thêm một số vấn đề như: những khó khăn, thuận lợi trong quá trình phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương? Các quy định pháp luật hiện nay có tạo được cơ chế đủ mạnh để giải quyết hiệu quả những vụ việc phát sinh hay không? Bộ đã chú trọng tìm hiểu, xây dựng cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề phù hợp với từng thị trường lao động chưa? Giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật, từ đó nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về xuất khẩu lao động?... Đoàn giám sát nhấn mạnh, xây dựng cơ cấu ngành nghề xuất khẩu lao động cần gắn với chương trình đào tạo nghề cho nông thôn hiện nay; cần thiết kế các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm đối với người lao động sau khi về nước để sử dụng có hiệu quả đội ngũ lao động này. Một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị:  cần đánh giá thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và phân loại chất lượng các doanh nghiệp này bởi thực tế đã có những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả hoặc không bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, cần đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động các cấp, nhất là cấp xã; thống kê, đánh giá về tình hình kinh tế của các hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài, bao nhiêu hộ thoát nghèo, bao nhiêu hộ có thu nhập ổn định... để thấy rõ hiệu quả cũng như hạn chế trong việc thực hiện chính sách của nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài .

H.Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác