Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992

04/08/2010

Ngày 3 - 4.8, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo khoa học xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, với ý nghĩa là hiến pháp thực hiện công cuộc đổi mới trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Hiến pháp năm 1992 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, cùng với tổng kết việc thực hiện Cương lĩnh Chính trị của Đảng năm 1991 và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới, nhu cầu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Hiến pháp 1992 đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan của thực tế đời sống Hiến pháp và yêu cầu phát triển đất nước. Để đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, nhận diện và giải quyết thấu đáo, căn bản các vấn đề đang đặt ra phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, yêu cầu tất yếu là phải tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 một cách khoa học, toàn diện và khách quan, vận dụng các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để lý giải bản chất các hiện tượng mới và nắm bắt được dòng chủ lưu của thời đại. Từ đó đúc rút, chắt lọc những kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn và nâng tầm lý luận để đề xuất, kiến nghị cụ thể cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

 

 Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe, trao đổi và thảo luận về các chủ đề như: Quan điểm của Đảng, Nhà nước và các quan điểm khoa học về vai trò của hoạt động tổng kết việc thi hành Hiến pháp đối với việc sửa đổi, bổ sung, ban hành Hiến pháp mới; Những vấn đề chung về Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; Phương pháp tổng kết thi hành Hiến pháp, ý nghĩa và các tiêu chí phương pháp tổng kết thi hành Hiến pháp...

 

Tổng kết Hiến pháp là công việc không đơn giản vì đây là đạo luật gốc, cơ bản của Nhà nước và xã hội, không chỉ điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội cơ bản mà còn điều chỉnh thông qua việc cụ thể hóa qua hoạt động lập pháp và hoạt động lập quy. Vị trí tối thượng của Hiến pháp được đề cao trong lập pháp về tổ chức quyền lực nhà nước, về quyền con người và quyền tự do dân chủ của công dân. Nội dung và tinh thần của Hiến pháp phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân là nhân tố bảo đảm cho sự ổn định, dân chủ và phát triển của đất nước. Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, việc tổng kết Hiến pháp, vì vậy, cần được tiến hành cả về nội dung và cách thức thể hiện trong mối quan hệ với toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với điều kiện KT – XH của đất nước; cũng như làm rõ vai trò của Hiến pháp trong đời sống chính trị, việc tổ chức thực hiện Hiến pháp trong đời sống nhà nước và xã hội. Để thấy rõ, những quy định nào của Hiến pháp không còn phù hợp với thời đại, chỉ ra được những nội dung và tinh thần nào của Hiến pháp là đúng, những quy định nào cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện...

Tin và ảnh: L. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác