Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Thanh Hóa

24/07/2010

Ngày 21 - 22.7, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã nghe đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo về công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động; vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh, huyện, xã với các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn trong việc tuyển dụng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động... Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 2 triệu người trong độ tuổi lao động nên nhu cầu giải quyết việc làm rất lớn. Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được tỉnh xác định là một trong những giải pháp quan trọng giải quyết việc làm cho người dân. Vừa qua, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động và chuyên gia; phê duyệt đề án Xuất khẩu lao động và chuyên gia giai đoạn 2003- 2005, định hướng đến năm 2010; ban hành chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2007 đến nay, số lao động đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh đạt khoảng 35 nghìn người; trong đó, số lao động đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài là hơn 30 nghìn người. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã gửi tiền về cho gia đình ước khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã được huy động đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người thân và gia đình người lao động.

Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các chi nhánh trực thuộc công ty có chức năng xuất khẩu lao động; thông tin kịp thời các thị trường lao động ở nước ngoài và mức phí lao động để người dân lựa chọn; nâng mức vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đoàn giám sát đề nghị:  Thanh Hóa cần xem xét lại việc quản lý lao động xuất khẩu từ thực tiễn; đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động các cấp cũng như cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo với doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động trong việc quản lý xuất khẩu lao động; cần có biện pháp xiết chặt hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, hạn chế tình trạng môi giới lao động...

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác