Theo Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao, phạm vi sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh tập trung trước hết vào việc sửa đổi, bổ sung quy định về ngạch thẩm phán và việc điều động thẩm phán giữa các cấp tòa án. Đây là hai vấn đề còn vướng mắc, bức xúc nhất nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành tòa án nhân dân trong tình hình hiện nay. Các vấn đề khác có liên quan đến thẩm phán sẽ được cân nhắc trong lần sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật tổ chức Tòa án Nhân dân.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng việc quy định ngạch, bậc thẩm phán tòa án nhân dân theo cấp hành chính và quy định về điều động, biệt phái thẩm phán như hiện nay khiến ngành tòa án nhân dân gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chủ trương, đường lối về luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ, nhất là từ tòa án nhân dân cấp trên về tòa án nhân dân cấp dưới.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tư pháp, Ban soạn thảo đã sửa đổi theo hướng chỉ quy định ba ngạch thẩm phán: Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao được bố trí như hiện nay tại Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa chuyên trách Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án quân sự Trung ương, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao; Tòa án Nhân dân cấp tỉnh được bố trí thẩm phán trung cấp và Tòa án Nhân dân cấp huyện được bố trí thẩm phán sơ cấp và một số ít thẩm phán trung cấp.
Theo Ủy ban Tư pháp, việc sửa đổi như trên vẫn sẽ đáp ứng được yêu cầu tăng cường năng lực cho Tòa án Nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện thẩm quyền xét xử mới đồng thời giải quyết những vướng mắc trong việc điều động Thẩm phán ở cấp huyện và cấp tỉnh.
Trong tờ trình trước đó, Ban soạn thảo đưa ra phương án quy định Thẩm phán Tòa án Nhân dân có bốn ngạch là thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao; thẩm phán cao cấp; thẩm phán trung cấp; thẩm phán sơ cấp.
Thẩm tra dự án Pháp lệnh, Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao về quan điểm chỉ đạo và yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung.
Ủy ban Tư pháp cho rằng việc sửa đổi lần này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng đội ngũ thẩm phán và giúp Tòa án Nhân dân thực hiện có hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, cũng cần có bước đi thích hợp, vừa tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, vừa bảo đảm tính pháp chế, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống nhất của pháp luật, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp.
Tuy vậy, những nội dung sửa đổi, bổ sung chưa nhận được sự nhất trí, đồng tình cao của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, chủ trương cải cách tư pháp là lấy tòa án làm trọng tâm, do đó những vướng mắc trong hoạt động của ngành tòa án cần thiết phải sửa đổi nhưng các phương án trong dự thảo đều có những điểm chưa phù hợp.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, trong tố tụng, tổ chức bộ máy và chức danh luôn đi liền với nhau, vì vậy cần xác định rõ ràng thẩm quyền tố tụng của từng chức danh tư pháp.
Bày tỏ tâm tư về tổ chức, hoạt động, chế độ đối với cán bộ các cơ quan tư pháp, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng nguồn cung cấp cán bộ cho các cơ quan tư pháp ở Việt Nam đi sau các ngành khác cả 1/4 thế kỷ.
Tuy thế, theo ông Trần Thế Vượng, không nên vì để giải quyết những vướng mắc về chế độ tiền lương, phụ cấp mà lại sửa đổi những vấn đề về mặt tổ chức.
Ông Vượng nhấn mạnh: “Phương thức giải quyết vướng mắc mới là vấn đề cần suy nghĩ.”
Không cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng việc sửa đổi Pháp lệnh sẽ có tác dụng trong việc nâng cao năng lực của Tòa án Nhân dân địa phương; giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tòa án quản lý, sử dụng đội ngũ thẩm phán. Đây không chỉ là vấn đề tiền lương, phụ cấp mà còn là sự linh hoạt trong điều động, phân công, tránh tình trạng “đóng khung” sẽ không thể nâng cao năng lực, trình độ.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Ba vẫn nhấn mạnh việc sửa đổi phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.
Giải trình thêm về căn cứ đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trần Văn Tú nêu rõ từ thực tiễn xét xử, nếu quy định ngạch, bậc thẩm phán theo cấp hành chính như hiện nay sẽ có nhiều bất cập trong thực hiện điều động, luân chuyển, chế độ chính sách. Việc sửa đổi này sẽ đảm bảo sự linh hoạt và tăng năng lực cho Tòa án Nhân dân cấp huyện trong thực hiện thẩm quyền mới.
Phó Chánh án khẳng định những nội dung sửa đổi, bổ sung không trái luật và vi hiến, chỉ có một chút vướng mắc trong Điều 29 Luật tổ chức Tòa án Nhân dân nhưng đã được bàn kỹ.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cũng nêu thêm hiện nay, các tòa án nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thụ lý, giải quyết, xét xử phần lớn các vụ việc dân sự, vụ án hình sự.
Nếu đợi sửa đổi Luật tổ chức Tòa án Nhân dân thì sẽ kéo dài thời gian trong khi thực tiễn đang đòi hỏi có một giải pháp khả thi để đáp ứng yêu cầu xét xử, nâng cao năng lực cho Tòa án Nhân dân địa phương.
Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về ngạch, bậc thẩm phán lần này không chỉ để là giải quyết vấn đề tiền lương mà còn là cơ sở xem xét, điều chỉnh hệ thống chế độ, chính sách đối với mỗi ngạch, bậc thẩm phán cho phù hợp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giao Ủy ban Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời xin ý kiến Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, hoàn chỉnh một bước để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, về cơ bản, có thể chấp nhận phương án mà Ban soạn thảo đã điều chỉnh như trong tờ trình bổ sung.
Cũng trong sáng 21/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc bổ sung thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao./.