Hội thảo sơ kết việc triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48 – NQ/TW

16/07/2010

Ngày 14.7, Ban Chỉ đạo sơ kết kế hoạch 900/UBTVQH11 thực hiện Nghị quyết số 48 – NQ/TW đã tổ chức Hội thảo sơ kết việc triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48 – NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH, Trưởng ban chỉ đạo sơ kết Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo.

Cùng dự có nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu; đại diện Thường trực HĐDT và các UB của QH; Lãnh đạo Bộ Tư pháp...

Nghị quyết số 48 – NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị là văn kiện chính trị quan trọng định hướng cho sự phát triển của hệ thống pháp luật nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác lập pháp của Nhà nước đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến cơ bản. Hệ thống pháp luật Việt Nam được từng bước hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng và động lực mạnh mẽ để tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. QH, UBTVQH và Chính phủ đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, chiếm khoảng 70% số lượng văn bản pháp luật mà Kế hoạch 900/UBTVQH11 đề ra cho giai đoạn 2005 – 2012. Từ tháng 5.2005 đến tháng 6.2007 (nhiệm kỳ QH Khóa XI), QH và UBTVQH đã thông qua 64 luật, 10 pháp lệnh. Từ tháng 7.2007 đến nay (nhiệm kỳ QH Khóa XII), QH và UBTVQH đã thông qua 55 luật và 12 pháp lệnh. Nhìn chung, các luật và pháp lệnh được ban hành trong giai đoạn này đã bao quát tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, theo dự thảo Báo cáo sơ kết việc triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48 – NQ/TW được trình bày tại Hội thảo thì, hệ thống pháp luật còn thiếu tính đồìng bộ. Một số quy định của văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính ổn định và tính khả thi. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN... vẫn chưa được trao đổi, bàn luận một cách thấu đáo, kỹ lưỡng để có những định hướng hoặc kết luận thống nhất. Bên cạnh đó, có những vấn đề đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 48 – NQ/TW nhưng việc triển khai còn chậm...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ: sơ kết việc triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48 – NQ/TW có phạm vi rộng, phức tạp liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống KT – XH, gắn với trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cả Trung ương và địa phương. Phó chủ tịch QH nhấn mạnh: Nghị quyết số 48 là một chiến lược tổng thể và dài hạn về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong điều kiện Đảng ta đang nghiên cứu bổ sung và hoàn chỉnh Cương lĩnh năm 1991 cũng như nhiều Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Hội thảo là cơ hội để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những vấn đề thiết thực góp phần hoàn thiện dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ Khóa XIII cũng như các nhiệm kỳ tiếp theo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các nhóm chuyên gia trình bày các Báo cáo về thể chế bộ máy nhà nước và bảo vệ quyền con người; thể chế dân sự kinh tế thị trường và bảo vệ môi trường; thể chế lao động và an sinh xã hội; thể chế khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo; thể chế phục vụ hội nhập quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực pháp luật...

Liên quan đến thể chế bộ máy nhà nước, nhóm chuyên gia cho rằng, pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước còn những mảng trống về kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong tổ chức bộ máy giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ chưa được cụ thể hóa trong một số đạo luật, nhất là trong các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể như đất đai, xây dựng, ngân hàng, tiền tệ... Yêu cầu đặt ra là cần cụ thể hóa hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, nhất là giữa lập pháp và hành pháp trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nhằm tạo lập sự đồng bộ và thống nhất giữa pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước với pháp luật trong các lĩnh vực khác, tạo điều kiện nâng cao trách nhiệm của các nhánh quyền lực nhà nước trước nhân dân.

 

 

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác