Triển khai chương trình xây dựng luật và pháp lệnh

07/07/2010

Sáng 6/7, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội 6 tháng cuối năm 2010 và năm 2011.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan trình, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ bàn về tiến độ chuẩn bị và các biện pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án nhằm triển khai thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là điều kiện pháp lý quan trọng để Quốc hội quyết định chương trình nghị sự cho các kỳ họp của năm tiếp theo.

Trong điều kiện và tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, việc điều chỉnh là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, điều chỉnh tiến độ quá nhiều dự án cũng như một số dự án chưa đảm bảo chất lượng khi trình Quốc hội là vấn đề cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm. Việc chuẩn bị một số dự án hiện còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Đến thời điểm này, đã có 9 dự án được rút khỏi chương trình năm 2010. Ngoài nguyên nhân khách quan, chủ yếu vẫn do những nguyên nhân chủ quan, trong đó có việc thực hiện chưa nghiêm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập của một số dự án còn chậm hoặc hoạt động không hiệu quả. Có trường hợp người đứng đầu cơ quan soạn thảo chưa dành thời gian hợp lý và đề cao tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị dự án.

Phó Chủ tịch cũng nêu rõ bước quan trọng tiếp theo việc thông qua Nghị quyết là triển khai như thế nào cho hiệu quả trong thực tế. Mặc dù số lượng dự án không nhiều nhưng với đặc điểm tình hình năm 2011, đây là một chương trình nặng. Nhiều dự án có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp, lại trong điều kiện Quốc hội khóa XIII có nhiều đại biểu mới. Do đó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan hữu quan, có kế hoạch cụ thể, chặc chẽ, phương pháp làm việc khoa học, hợp lý ngay từ đầu mới hoàn thành được chương trình; rút kinh nghiệm, không để lặp lại tình trạng có những dự án đến giai đoạn cuối lại xin rút.

Theo Nghị quyết số 48 của Quốc hội XII, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 gồm 25 dự án trong chương trình chính thức và 14 dự án trong chương trình chuẩn bị.

Theo Chương trình năm 2010, tại kỳ họp thứ 8 (10/2010), Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án và cho ý kiến 10 dự án.

Thông báo tình hình chuẩn bị các dự án Luật sẽ trình tại kỳ họp thứ 8, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết, về cơ bản, hầu hết các dự án đều bảo đảm tiến độ đề ra.

Các đại biểu cũng nêu lên những vấn đề lớn đặt ra, những khó khăn, vướng mắc nổi cộm cần tháo gỡ trong quá trình chuẩn bị và đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện tốt, nghiêm túc chương trình.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng của ban soạn thảo các dự án; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan; vai trò của Vụ pháp chế trong quá trình tham gia soạn thảo.

Đề cập tình hình chuẩn bị một số dự án sẽ được thông qua và cho ý kiến trong kỳ họp cuối năm 2010, lãnh đạo các bộ, ngành đã nêu rõ những vấn đề lớn, nổi cộm trong quá trình soạn thảo, thẩm tra.

Ví dụ, hàng loạt các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật Viên chức; xác định cơ quan quản lý nhà nước về cơ yếu trong Luật Cơ yếu; làm rõ về thẩm quyền, trình tự thủ tục tố cáo; nội dung, phương thức, trách nhiệm bảo vệ người tố cáo trong Luật tố cáo; việc mở rộng đối tượng chịu thuế trong dự án Luật thuế bảo vệ môi trường; vị trí, vai trò của thanh tra, phương thức hoạt động của thanh tra chuyên ngành trong Luật thanh tra (sửa đổi).

Riêng dự án Luật cơ yếu, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu, Chính phủ xin rút khỏi chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (10/2010) để chờ ý kiến của Bộ Chính trị.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, để nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án luật, không nên chờ đến khi có dự thảo mới cung cấp cho đại biểu Quốc hội mà cần có cách tổ chức thông tin để đại biểu có thể tiếp cận vấn đề ngay từ ban đầu.

Một vấn đề quan trọng khác là việc nhiều bộ, ngành mới chỉ chú trọng sự tham gia của các vụ chuyên môn mà chưa nhận thức đầy đủ vai trò của Vụ pháp chế. Vì vậy, nhiều dự án tuy bảo đảm về mặt nội dung chính sách nhưng lại không hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập pháp, mất rất nhiều thời gian để chỉnh sửa.

Nghị quyết số 48 đã nêu rõ các cơ quan trình dự án, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo bảo đảm dự án được chuẩn bị kỹ về nội dung và kỹ thuật văn bản, hạn chế tối đa những quy định chung chung; bảo đảm tiến độ chuẩn bị, thời hạn gửi dự án và các tài liệu liên quan đến các cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Theo Nghị quyết, tính ổn định của chương trình cần được bảo đảm, chỉ điều chỉnh trong trường hợp thật cần thiết và phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi điều chỉnh./.

Thanh Hòa

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác