Dự thảo Luật Viên chức: cần quy định cụ thể về kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức

21/06/2010

Tăng thẩm quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức… là những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Viên chức sáng 19.6, tại hội trường.

Tăng thẩm quyền phải đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát

 

Cho ý kiến về vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều ý kiến ĐBQH đều cho rằng, dự thảo Luật được xây dựng theo hướng đề cao vai trò, thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức là hợp lý. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn, việc giao quá nhiều quyền cho người đứng đầu, trong khi lại thiếu cơ chế kiểm tra, kiểm soát cũng như những điều kiện khác, có thể dẫn đến sự độc đoán, lạm quyền hoặc thậm chí là cố ý làm trái để trục lợi. Bên cạnh đó, việc tiến hành phân cấp quá mạnh, giao quá nhiều quyền cho các đơn vị sự nghiệp công lập như trong dự thảo Luật đã phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn, trình độ quản lý của nhiều đơn vị hay không?

 

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà, Gia Lai cho rằng, để quy định khả thi và đạt hiệu quả, mức độ tăng vai trò, thẩm quyền phải dựa trên nguyên tắc năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu với cơ quan quản lý cấp trên cũng như đối với viên chức thuộc quyền quản lý. Cùng với đó, theo Nghị định 43 của Chính phủ, hiện có 3 loại đơn vị sự nghiệp công lập: đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động, đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động và đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động. ĐB đề nghị bổ sung đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động vào khoản 2, Điều 7 cũng như thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị loại này vào Điều 51 của dự án Luật.

 

ĐB Huỳnh Phước Long, Trà Vinh cũng đồng tình với việc đề cao vai trò, thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Bởi có như vậy thì người đứng đầu mới có sự chủ động trong việc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần quy định thêm cơ chế kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu để ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong tuyển dụng.

 

Ở một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thị Sáng, Tiền Giang cho rằng, trần việc tự chủ đến đâu cũng chưa thấy quy định trong dự thảo Luật. Nên chăng, Luật cũng quy định mang tính nguyên tắc về mức trần của việc tự chủ phòng ngừa việc lạm dụng trong quản lý, điều hành của người đứng đầu. ĐB cũng nhất trí quy định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính phải có Hội đồng quản lý và tất nhiên, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải là người chịu trách nhiệm cao nhất. Nhưng Hội đồng quản lý là một định chế mới nên phải quy định có tính nguyên tắc trong dự thảo Luật, nhất là về thành phần hội đồng, thẩm quyền thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu với hệ quả trong việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm.

 

Nhiều ý kiến đại biểu thống nhất rằng, trong điều kiện hiện nay, nên từng bước phân cấp, giao quyền tự chủ cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu việc thực hiện nhằm bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch của quá trình ra quyết định. Đồng thời, có cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu tương xứng với thẩm quyền được giao.

 

Cần quy định cụ thể về kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức

 

Kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức tại Điều 49, Điều 50 dự thảo Luật quy định viên chức đã đến tuổi nghỉ hưu có thể được kéo dài thời gian làm việc. Về nguyên tắc, khi đến tuổi nghỉ hưu và đã bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mọi viên chức đều có quyền nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa, Bắc Ninh cho rằng, trong báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật, không nên đưa ra lý lẽ là viên chức có quyền nghỉ hưu, vì lý lẽ không thuyết phục, bởi vì đã có quyền thì người ta không nhận quyền đó… Viên chức có quyền nghỉ hưu theo ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa chưa thuyết phục xét với góc độ giới, dự thảo Luật chưa phù hợp với Điều 6 của Luật Bình đẳng giới, theo đó về chính sách, chế độ cần quy định chặt chẽ hơn về bình đẳng giới. ĐB băn khoăn, kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức cần quy định chặt chẽ, không gây tâm lý e ngại với các viên chức nhất là đối với viên chức là nữ. Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về thời gian làm việc đối với nhóm viên chức nhất định có trình độ chuyên môn cao. Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Thị Sáng, Tiền Giang kiến nghị, riêng đối với những người có học vị, chuyên môn kỹ thuật cao, thực sự có tài năng được tổ chức đơn vị thừa nhận, đặc biệt là đơn vị đó thực sự có nhu cầu thì viên chức phải có đơn tự nguyện và có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc.

 

Bàn đến việc viên chức đến tuổi về hưu được tiếp tục làm việc, ĐB Nguyễn Ngọc Đào, Hà Nội cho rằng, ở đây có một số đại biểu hiểu nhầm, đây không phải là kéo dài tuổi nghỉ hưu mà kéo dài thời gian làm việc khi đến tuổi nghỉ hưu. Dự án Luật đã tôn trọng Luật Lao động đối với nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Tuy nhiên, trên thế giới nói chung cũng muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với nam là 65 tuổi và nữ 60 tuổi để giảm bớt bảo hiểm xã hội cho đất nước. ĐB ủng hộ phương án, chúng ta hoàn toàn có quyền khai thác toàn bộ năng lực, trí tuệ của những người khi đã đến tuổi nghỉ hữu vẫn tiếp tục làm việc, họ làm việc theo hợp đồng trong khoảng từ 1- 5 năm.. và ký hợp đồng với đơn vị sử dụng. Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Sáng, Tiền Giang cũng nêu ý kiến có thể thực hiện kéo dài thời gian làm việc của viên chức theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn. Tuy nhiên, Dự án Luật phải quy định rõ điều kiện nguyên tắc, trình tự, thủ tục kéo dài thời gian làm việc của viên chức, chế độ, chính sách của viên chức sau khi thực hiện kéo dài thời gian làm việc. Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung điều khoản quy định về tuổi nghỉ hưu của một số loại viên chức như viên chức trong ngành giáo dục, y tế của nước ta vẫn còn thiếu ở các cấp. ĐB Trần Việt Hưng, Hòa Bình, nhất trí với Khoản 2, 3 quy định theo nhu cầu công việc và sự nhất trí của người đã nghỉ hưu, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thể kéo dài thời gian làm việc đối với người đã nghỉ hưu bằng hợp đồng làm việc phân định thời hạn.

 

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác