Tăng cường công tác giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri
Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Trần Thế Vượng, trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ sáu đến kỳ họp thứ bảy.
Báo cáo cho biết: Tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII, cử tri cả nước gửi đến QH 1.687 kiến nghị. Ủy ban Thường vụ QH phối hợp với Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổng hợp những nội dung kiến nghị chủ yếu của cử tri báo cáo với QH tại phiên khai mạc, đồng thời chỉ đạo Ban Dân nguyện tập hợp đầy đủ các kiến nghị của cử tri gửi đến các Ðoàn đại biểu QH và các đại biểu QH để nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thảo luận, tham gia ý kiến xây dựng luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ban Dân nguyện phân loại những kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết từ các kỳ họp trước, những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn lại 1.234 kiến nghị, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tiếp thu các kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, trong đó đã bổ sung việc ban hành các nghị quyết của QH về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình dự án quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư. Tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai giữa cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp, Ủy ban Thường vụ QH đã bổ sung vào chương trình, ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH giải thích việc khiếu nại, khởi kiện và việc giải quyết khiếu nại, khởi kiện về đất đai. Các kiến nghị của cử tri về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được các đại biểu QH, các cơ quan của QH và QH nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xem xét, quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, QH đã quyết định năm 2010 giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học". Ủy ban Thường vụ QH đã quyết định giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II; việc quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án liên quan trực tiếp đến xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn". Tại phiên họp thứ 30 đã nghe báo cáo kết quả giám sát và ban hành Nghị quyết 929/2010/NQ-UBTVQH12 về kết quả giám sát, trong đó yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II có các giải pháp và biện pháp thiết thực đẩy mạnh phát triển sản xuất và giảm nghèo phù hợp từng vùng, miền; sớm khắc phục những tồn tại và hạn chế mà Ðoàn giám sát đã nêu. QH đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó đã yêu cầu các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ngoài việc tiếp tục trả lời bằng văn bản các chất vấn của đại biểu QH, có biện pháp cụ thể, thiết thực, thực hiện có hiệu quả bốn vấn đề gắn với việc thực hiện Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 và báo cáo kết quả với QH tại các kỳ họp sau.
Tính đến ngày 10-5-2010, các cơ quan có trách nhiệm đã nghiên cứu và trả lời 1.170 kiến nghị của cử tri do Ủy ban Thường vụ QH chuyển đến, còn 18 kiến nghị chưa có văn bản trả lời. Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của QH, Ủy ban Thường vụ QH, giải quyết những vấn đề mà cử tri đã kiến nghị tại các kỳ họp trước. Ủy ban Thường vụ QH nhận định: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri tiếp tục được nâng cao, nhiều kiến nghị đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn chậm; có trường hợp còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết. Một số văn bản trả lời chưa đúng, chưa sát với nội dung kiến nghị của cử tri...
Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quan tâm hơn nữa đến công tác giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, chú trọng chất lượng giải quyết. Khi ban hành các nghị định, quyết định cần quy định cụ thể nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc ban hành văn bản hướng dẫn của cấp dưới để chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống khi triển khai thực hiện...
Cần có biện pháp cơ bản ổn định an ninh quốc gia về mặt tài chính
Tiếp đó, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Ðại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) chất vấn về nợ công, cách trả nợ, và biện pháp quản lý để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển và giảm gánh nặng cho dân?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, nợ Chính phủ hiện nay là 41,9% GDP đang ở mức an toàn. Nghĩa là Việt Nam đang trả nợ ở giới hạn nợ dưới 50%, trong đó trả nợ Chính phủ chiếm 15,8% tổng thu ngân sách Nhà nước; trả nợ nước ngoài chiếm 11%. Nợ vay nước ngoài chủ yếu là dài hạn. Ðến nay không có khoản nợ quá hạn nào mà không thể trả được. Chúng ta sử dụng nợ công hiệu quả. Hiện nay trong bối cảnh kinh tế phát triển, cần đầu tư. Vấn đề đặt ra là vay hay không vay, có đối tác cho chúng ta vay lãi suất vừa phải, trong nhu cầu cần đầu tư để phát triển kinh tế đất nước thì chúng ta vẫn phải vay. Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Ðỗ Thị Lan (Quảng Ninh) và một số đại biểu về bội chi ngân sách còn cao, quyết toán các công trình còn chậm, về nợ thuế còn lớn, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Việc giảm bội chi sẽ được thực hiện dần trong những năm sau. Năm 2010, Chính phủ giao Bộ Tài chính phấn đấu giảm bội chi xuống 6%. Trong năm 2009, 2010 bội chi ở nước ta cao, nhưng không đáng lo ngại, vì các nước bội chi gấp hai, ba lần Việt Nam, trong khi đó bội chi của Việt Nam chỉ tăng từ 5% lên 6,9% GDP. Theo yêu cầu của QH, Chính phủ sẽ giảm dần mức bội chi trong một số năm tiếp theo, làm sao đến năm 2020 bội chi còn 3%. Hiện còn gần năm nghìn công trình chậm quyết toán, Bộ Tài chính phối hợp các bộ và địa phương đang bàn biện pháp xử lý đối với các công trình chậm quyết toán này. Về nợ thuế còn lớn hơn 23 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng nêu rõ có hơn hai nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế khó đòi, còn lại là nợ luân chuyển, các văn bản pháp luật cho phép, tiền thuế năm trước các đơn vị, doanh nghiệp tự kê khai, tạm ứng, đến quý I, quý II năm sau mới thanh quyết toán.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) về việc doanh nghiệp khó khăn trong vay vốn, nhưng ngân hàng lại lãi lớn, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói rằng, Bộ Tài chính có kiểm tra các báo cáo nhưng không đi quá sâu.
Chủ tịch QH yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu giải trình thêm. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Ngay từ khi đưa ra giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã đề ra giải pháp ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Theo thống kê, một số ngân hàng thương mại không tăng lợi nhuận so với năm 2008. Trước tình hình khó khăn, một số ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ngoài tín dụng và lợi nhuận thu được từ những nguồn này cũng khá lớn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) về việc quản lý và lương của Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ trưởng đang kiêm nhiệm chức Chủ tịch HÐQT SCIC do Thủ tướng Chính phủ phân công. SCIC thành lập năm 2005 nhằm thực hiện quản lý vốn Nhà nước. SCIC vừa có chức năng quản lý, vừa đầu tư, nên giao cho Bộ Tài chính quản lý là đúng. Về hạch toán kế toán và hạch toán tài chính, SCIC là một tổ chức đặc thù. Ðến nay, SCIC đã tiếp nhận 911 doanh nghiệp, chiếm 1,8% số vốn Nhà nước. Ðây chỉ là số vốn rất nhỏ quản lý được, còn lại vốn Nhà nước nằm trong các tập đoàn lớn. Về việc thu nhập, tiền lương của Bộ trưởng tại SCIC có ý kiến cho là cao, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, lương của Chủ tịch HÐQT các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003, Nghị định 206, 207 của Chính phủ về chế độ lương thưởng của Tổng công ty Nhà nước, có những khoản không phải là lương, mà là thu nhập của năm trước cộng vào, làm cho lương cao, gây hiểu lầm trong dư luận. Tiền lương mà được tăng thêm do tăng về hiệu quả sản xuất, kinh doanh thể hiện trên chỉ tiêu về doanh thu và chỉ tiêu về lợi nhuận nộp ngân sách, thì khoản này được quy định trong Quyết định 52 quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty quản lý kinh doanh vốn Nhà nước.
Chất vấn của đại biểu Danh Út (Kiên Giang) về nhóm vấn đề liên quan đến giá cả, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, không phải các bộ kiểm tra hết việc này, mà có trách nhiệm của UBND các địa phương. Bộ cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với Bộ Công thương kiểm tra đột xuất và có phát hiện như đã báo cáo. Việc phạt doanh nghiệp vi phạm 80 triệu đồng là nhẹ. Ðề nghị có chế tài xử lý nặng hơn. Về quản lý giá xăng dầu, Bộ trưởng nhấn mạnh luôn đứng về phía lợi ích người tiêu dùng, không bao che cho doanh nghiệp. Về giá cả thuốc chữa bệnh cao, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị Bộ trưởng Y tế giải trình thêm. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, có thứ thuốc tăng cao, có loại không tăng, có loại giảm. Vấn đề cử tri bức xúc là một số thuốc đặc trị, biệt dược tăng hơn 200%. Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 11 để quản lý nhà nước về giá thuốc. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ có lực lượng quản lý thị trường thường xuyên tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động lưu thông, phân phối trên thị trường, trong đó có vấn đề kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Nếu phát hiện sai phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật về giá. Lực lượng quản lý thị trường phối hợp các cơ quan chức năng, các địa phương đã tiến hành kiểm tra và xử lý 3.800 vụ vi phạm Pháp lệnh giá, bán không đúng giá niêm yết, không niêm yết giá.
Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến, nêu rõ: Vấn đề tài chính tiền tệ là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng cũng khó, vì nó chịu một lúc nhiều mối quan hệ, nhiều quy luật tác động. Trong bối cảnh quốc tế khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, Việt Nam, mặc dù là nền kinh tế đi sau cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng giữ cho được đến bây giờ cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô chưa có xáo động lớn trên lĩnh vực tài chính tiền tệ, đó là một thành tựu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, rất nhiều câu hỏi từ đại biểu QH, rất nhiều ý kiến, kiến nghị từ cử tri quan tâm vấn đề này. Một số vấn đề mà cử tri và các đại biểu QH rất quan tâm, tập trung vào vấn đề điều hành ngân sách, lập dự toán, điều hành thu, chi làm sao giảm bội chi, chuyển nguồn, vấn đề nợ công, nợ quốc gia, nợ Chính phủ. Ðiều hành giá cả trong điều kiện chúng ta đang chuyển sang thực hiện cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế, có rất nhiều vấn đề phải thực hiện khi cam kết tham gia Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức kinh tế khác. Rất cần có biện pháp cơ bản để làm sao cân đối hài hòa giữa thu, chi, bảo đảm ổn định cho được an ninh quốc gia về mặt tài chính...
Khắc phục tình trạng chậm tiến độ dự án, công trình giao thông
Buổi chiều, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn về nhiều vấn đề các đại biểu QH quan tâm.
Ðại biểu Ðặng Thuần Phong (Bến Tre) đề cập hai vấn đề thuộc nhóm hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước đối với các dự án, công trình giao thông. Theo đó, đối với các dự án sử dụng vốn ODA để làm quốc lộ, đường cao tốc, hợp đồng kinh tế đối với các đối tác nước ngoài như tư vấn, thiết kế, giám sát thi công và kể cả hồ sơ sau khi hoàn công để đưa công trình vào sử dụng, thông thường sử dụng tiếng nước ngoài. Khi có sự cố hay vấn đề phát sinh cần đánh giá, chúng ta không có hồ sơ vì các đối tác nước ngoài đã mang về nước, làm công tác quản lý của ngành gặp khó khăn...
Chung quanh vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời: Trong thời gian gần đây, Bộ GTVT đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tiến độ các công trình, dự án, phần lớn các dự án về chất lượng, tiến độ thực hiện được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều dự án, công trình ở một số nơi chưa bảo đảm, có những dự án vừa đưa vào khai thác đã phải sửa chữa. Nguyên nhân do công tác chuẩn bị đầu tư của tư vấn thiết kế trong nhiều trường hợp chưa sâu sát, chưa đầy đủ và chất lượng chưa tốt, dẫn đến việc thiết kế phải khảo sát lại. Bên cạnh đó là năng lực tài chính của các doanh nghiệp yếu kém, cả trình độ công tác, tổ chức quản lý giám sát còn nhiều hạn chế.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, đối với các dự án dùng vốn ngân sách trong nước, vai trò của tư vấn giám sát còn hạn chế. Việc phát hiện, kiểm soát những thiếu sót trong quá trình xây dựng từ khâu thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, cho tới thực hiện đầu tư còn nhiều khiếm khuyết, làm giảm chất lượng của công trình. Bộ GTVT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù có nhiều văn bản, nhiều thể chế quản lý đầu tư, nhưng khi triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển ngày càng phức tạp của công trình. Vừa qua, Bộ GTVT đã phân cấp chủ đầu tư dự án, Bộ trực tiếp quản lý làm chủ đầu tư chỉ khoảng 14, 15 dự án có quy mô phức tạp, có tính chất liên vùng, liên ngành và phân cấp gần hết cho các Tổng công ty, các cục chuyên ngành và các địa phương. Ðiều đó nhằm hạn chế tối đa việc vừa ra quyết định đầu tư, vừa làm chủ đầu tư, dẫn đến việc thiếu giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án.
Về chất vấn của đại biểu liên quan quản lý vốn ODA, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ, quy trình quản lý vốn ODA của các nhà tài trợ được thực hiện nghiêm túc, đúng thông lệ quốc tế. Qua đó chúng ta học tập được nhiều kinh nghiệm quản lý dự án.
Ðại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu vấn đề về việc phê duyệt quyết toán dự án chậm, trong đó có nhiều dự án lĩnh vực giao thông vận tải, như vậy trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu? Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, phê duyệt quyết toán các công trình là nhiệm vụ rất khó khăn trong quản lý đầu tư xây dựng. Trước đây các dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định, việc quyết toán do Bộ Tài chính chủ trì. Gần đây các dự án nhóm A chuyển lại cho Bộ GTVT để duyệt quyết toán, vì thế có những khó khăn nhất định trong việc thực hiện các quy định về duyệt quyết toán. So với hai năm gần đây các dự án nhóm B, nhóm C được đẩy nhanh hơn. Khối lượng về quyết toán đã được giải quyết nhiều hơn. Từ năm 1994 đến 2000 có 208 dự án với 2.270 tỷ đồng được quyết toán. Từ năm 2006 đến 2009 mỗi năm Bộ duyệt quyết toán được khoảng 150 dự án. Tổng giá trị việc quyết toán năm 2005 đạt 2.310 tỷ đồng, năm 2008 duyệt quyết toán 1.749 tỷ đồng, năm 2009 gần 4.000 tỷ đồng...
Ðại biểu Nguyễn Thị Khá chất vấn tiếp về tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vừa qua xảy ra nhiều sự cố, có đoạn bị sạt lở trong khi mới bước vào giai đoạn đầu của mùa mưa. Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư, nhà thầu hay đơn vị giám sát. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời: Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện chưa hoàn thành, chỉ mới xong giai đoạn 1. Sau khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, thấy rằng đủ tiêu chuẩn quy định để có thể cho thông tuyến giai đoạn 1, đáp ứng yêu cầu giao thông. Công trình phấn đấu đến tháng 1-2011 sẽ thông toàn tuyến đường cao tốc này. Trong khi chưa kết thúc dự án có thể còn một số khiếm khuyết, một số đoạn không phải đường cao tốc, đường dẫn có hiện tượng sạt lở, bị lún cục bộ. Cơ quan chủ quản sẽ kiểm tra chặt chẽ vấn đề này và khắc phục ngay hiện tượng sạt lở, hư hỏng ở một số địa điểm trên tuyến như đại biểu đề cập.
Một số đại biểu phát biểu ý kiến, cho rằng có sự lãng phí trong quá trình xây dựng đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Láng - Hòa Lạc đang thi công. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, về cơ bản giai đoạn 1 đường Hồ Chí Minh không vượt tổng dự toán, còn một số vốn dư của giai đoạn 1 và được sử dụng để tiếp tục kiên cố hóa công trình và tiếp tục thực hiện một số dự án đường ngang. Ðối với tuyến đường Láng - Hòa Lạc, đã có sự tranh luận trong giới kỹ thuật, trong nội bộ của Bộ và trong các nhà tư vấn về xử lý hầm chui hoặc cầu vượt ở đường sắt. Bộ GTVT cho rằng, giải pháp làm hầm chui qua đường sắt là giải pháp thích hợp và thực hiện được. Ðây là một giải pháp kỹ thuật kèm theo nhiều yếu tố khác, không phải do sự thiếu trách nhiệm gây ra lãng phí.
Chung quanh vấn đề rà soát các trạm thu phí, theo đó sẽ xóa bỏ một số trạm thu phí, đại biểu Phạm Lễ Chi (Quảng Ninh) nhận xét, quá trình thực hiện vẫn còn chậm, chưa biết khi nào thì việc xóa bỏ trạm sẽ được công bố chính thức. Bộ trưởng GTVT trả lời, hiện nay trên 24 tuyến quốc lộ có 62 trạm thu phí dưới hai dạng chủ yếu. Một dạng do Nhà nước đầu tư, nâng cấp và thu phí để hoàn vốn. Hai là nhà đầu tư đầu tư theo phương thức BOT và dùng thu phí để hoàn vốn dự án. Về cơ bản hình thức này đáp ứng và hỗ trợ rất lớn một phần kinh phí cho công tác duy tu, sửa chữa, thông qua việc thu phí. Tuy nhiên cũng có những bất cập, hạn chế. Trạm thu phí ở một số nơi còn gần, hiệu quả một số trạm thu phí không cao. Vừa qua Bộ GTVT đề xuất có bảy trạm thu phí, trong đó có bốn trạm xin dừng hẳn, ba trạm tạm dừng vì không đủ điều kiện để thu. Tuy nhiên, quy trình để có quyết định dừng trạm không đơn giản. Việc dừng hay không phải chờ Bộ Tài chính có ý kiến và xin ý kiến của Chính phủ.
Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm chất vấn là giao thông nông thôn (GTNT). Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về một số dự án đường GTNT tiến độ chậm, nhiều tuyến đường mới làm nhưng đã hỏng, giải ngân còn hạn chế, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, việc đầu tư, tổ chức dự án, quản lý, duy tu đường GTNT ở địa phương thuộc trách nhiệm trực tiếp của địa phương. Bộ GTVT quản lý chung và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật các cấp đường, quy trình duy tu, bảo dưỡng. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, ngoài nguyên nhân khách quan do thiên tai khắc nghiệt còn do kinh phí đầu tư hạn chế, thiếu quan tâm yếu tố tiêu chuẩn kỹ thuật đường khi thi công. Về các dự án có nguồn vốn T.Ư hỗ trợ, Bộ GTVT sẽ phối hợp các bộ liên quan để có nguồn vốn kịp thời phát triển dự án đường GTNT. Bộ GTVT cũng đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ có chiến lược phát triển GTNT, đặc biệt chú trọng các vùng, các xã xa xôi, hẻo lánh, điều kiện khó khăn, với mục tiêu nhựa hóa đường giao thông ở cấp xã, huyện và phấn đấu 100% đường GTNT đi được bốn mùa, và 80% - 90% được duy tu, bảo dưỡng. Riêng chi phí duy tu, bảo dưỡng trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua các tỉnh miền trung chịu ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai khắc nghiệt nên tốn kém nhiều so với các tuyến khác và Bộ sẽ chỉ đạo khắc phục, sửa chữa kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Về một số dự án chậm triển khai mà các đại biểu chất vấn, Bộ trưởng thừa nhận, đường cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn còn là "món nợ" chưa làm được, việc xây dựng cầu Giao Thủy tại Quảng Nam do địa phương chủ trì, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương này. Về thi công, duy tu, sửa chữa QL20 từ Lâm Ðồng về Ðồng Nai nhằm kiềm chế tai nạn giao thông do đại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai) nêu ra, Bộ trưởng cho biết, có đoạn phải đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Hiện đang trong thời gian chờ đợi để có đủ nguồn vốn đầu tư, thi công nhằm khắc phục bất cập hiện nay. Về dự án xây dựng cầu Vĩnh Thịnh, Bộ đang khẩn trương chuẩn bị, cố gắng sớm khởi động dự án này.
Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt vấn đề: Cử tri và đồng bào cả nước, đại biểu QH xúc động trước hình ảnh đồng bào ở một số địa phương ở tỉnh Kon Tum phải đu trên dây cáp để vượt sông Pô Cô. Vậy những ai phải chịu trách nhiệm về việc chậm khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 cuối năm ngoái để xảy ra tình trạng như thế. Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng GTVT nói: Sau cơn bão số 9, số 11, các lực lượng giao thông đã tiếp cận các địa phương, đặc biệt là Kon Tum, đi khảo sát hết tuyến đường 14, tuyến đường 24. Về việc phân cấp quản lý thì Bộ quản lý các tuyến sông quốc gia trực tiếp, và quản lý nhà nước, Bộ GTVT có trách nhiệm chung. Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, về phát triển giao thông ở địa phương, giao thông miền núi, vùng sâu, vùng xa; với chức năng quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã thực hiện những nhiệm vụ chính như xây dựng chiến lược phát triển, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật của hệ thống đường giao thông nông thôn. Hơn nữa Bộ trực tiếp xúc tiến thu xếp các nguồn vốn nước ngoài để thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng ở địa phương. Nhìn chung cách đầu tư phát triển của giao thông địa phương, giao thông nông thôn đã có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên so với yêu cầu, so với đòi hỏi còn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.
Kết thúc buổi chất vấn Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến kết luận cho biết, đã có 20 lượt đại biểu đăng ký chất vấn và 17 lượt đại biểu trực tiếp chất vấn Bộ trưởng. Lĩnh vực giao thông và an toàn giao thông rộng, phức tạp, liên quan đến xây dựng hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, cách tổ chức, phân luồng bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc... Các ý kiến chất vấn chủ yếu tập trung vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vì đây là vấn đề chiến lược, khâu đột phá. Những vấn đề các đại biểu nêu ra không mới như chậm tiến độ thi công, giải ngân, quyết toán chậm, thiếu kiểm tra đôn đốc trong xây dựng hạ tầng giao thông; nhiều công trình trong quá trình thi công đã phát sinh bất cập; năng lực, chất lượng của một số tư vấn, thiết kế, nhà thầu thi công còn hạn chế; ách tắc giao thông do ảnh hưởng thi công, sửa chữa trên đường... Các đại biểu lưu ý Bộ trưởng cần tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch giao thông ở nước ta bảo đảm hài hòa, hợp lý. Có biện pháp hạn chế tình trạng các nhà thầu không đủ năng lực thi công các công trình, kiểm soát chặt chẽ tình trạng mua sắm tài sản, phương tiện giao thông nhằm hạn chế tiêu cực. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.