Từ ngày 10-12/6 diễn ra phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Giao thông-Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá -Thể thao và Du lịch sẽ trả lời trực tiếp các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Riêng sáng ngày 12/6, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.
|
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn |
Trong phiên chất vấn này, nhiều vấn đề quan trọng được nêu ra, thu hút sự quan tâm, chú ý của các đại biểu Quốc hội và đông đảo tầng lớp nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (đoàn Nghệ An): Quan tâm tới mức lương cao của một số cán bộ thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước
Trong phiên chất vấn của kỳ họp này, tôi đặc biệt quan tâm tới việc một số lãnh đạo ở các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có mức lương rất cao trong khi đó đời sống của người nông dân, công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị |
Mặc dù việc quản lý tiền lương có liên quan tới một số Bộ, ban, ngành, tuy nhiên tôi muốn Bộ Tài chính trả lời rõ về việc quy định trả lương cho một số cán bộ, lãnh đạo của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước như thế nào.
Trong lĩnh vực Nông nghiệp và Nông thôn, tôi cũng lưu ý đến việc quản lý của Nhà nước đối với chất lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, đặc biệt là những công nghệ tiên tiến sản xuất giống tốt với giá cả hợp lý. Đến nay, chúng ta chưa có được những công nghệ tiên tiến để sản xuất ra những loại giống tốt phục vụ bà con nông dân.
Nếu được chất vấn Bộ Tài chính, tôi sẽ hỏi về vấn đề giá cả. Trong thời kỳ lạm phát cao, làm thế nào để kiềm chế giá cả tăng, bình ổn cuộc sống của người dân. Một vấn đề mà tôi và đông đảo cử tri cả nước hết sức quan tâm là mỗi khi tăng giá điện, nước, xăng dầu thì kéo theo rất nhiều loại mặt hàng khác tăng theo. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đối tượng là người thu nhập thấp hoặc nông dân nghèo.
Thời gian qua, báo chí có nêu việc sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, sập dẫn cầu cán của cầu vượt Thanh Trì... Nếu được chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, tôi sẽ hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành đối với chất lượng các công trình xây dựng cơ bản, trong đó có công trình giao thông. Bên cạnh đó là việc xử lý vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông tại các đô thị trong thời gian tới như thế nào.
Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang): Sẽ chất vấn về Thương hiệu các mặt hàng Nông thuỷ sản; Quản lý giá của Bộ Tài chính
Trong phiên chất vấn của kỳ họp này, tôi quan tâm đến 2 vấn đề. Thứ nhất là vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý giá đối với các mặt hàng: xăng dầu, phân bón, sắt thép, mía, đường...
|
Đại biểu Danh Út |
Hiện nay, một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực này “làm giá” rất nhiều, không chấp hành việc đăng ký, niêm yết giá. Vừa qua, Bộ Tài chính đã kiểm tra 17 doanh nghiệp đó và kết quả cho thấy có 11 doanh nghiệp không thực hiện đăng ký quản lý giá. Vì không đăng ký nên những doanh nghiệp này đã đẩy giá cả mặt hàng tăng liên tục và cuối cùng thiệt thòi lớn nhất vẫn là về phía người dân.
Còn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, tôi sẽ đặt câu hỏi là vì sao việc xây dựng Thương hiệu các mặt hàng nông thuỷ sản lại chậm đến như vậy? Ví dụ như đối với gạo và cà phê, chúng ta sản xuất ra rất nhiều nhưng xây dựng thương hiệu đối với những mặt hàng này lại yếu kém. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?
Ngoài ra, việc tính giá thành của cây lúa để người nông dân có thể có lãi. Tôi chưa đồng ý với cách tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đối với giá lúa. Các Bộ tính là mua 4.000 đồng/kg lúa là người nông dân có lãi 30% là không hợp lý. Theo tôi, nếu trừ các chi phí khác, phải tính giá sàn là 5.500 đồng/kg lúa thì may ra người nông dân mới có lãi.
Đại biểu Nguyễn Thúc Kháng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu): Nguồn vốn cho các công trình lớn sẽ giải quyết như thế nào?
|
Đại biểu Nguyễn Thúc Kháng |
Trong những năm qua, các Bộ, ngành đều trình lên Quốc hội xem xét về nhiều công trình lớn của quốc gia.
Điều mà tôi quan tâm trong kỳ họp này là trong những năm tới, chúng ta sẽ đưa ra những công trình nào nữa không? Dự tính về nguồn vốn và sự kết hợp giữa nguồn vốn đó theo thời gian sẽ như thế nào?
Đặc biệt là đối với những công trình chúng ta đã và sẽ quyết định xây dựng; nguồn vốn của Nhà nước đầu tư sẽ là bao nhiêu; thu xếp vốn ở những nơi khác như thế nào?
Mối liên hệ giữa nguồn vốn dành cho các công trình xây dựng lớn với sự trả nợ của Nhà nước, bội chi ngân sách sẽ ra sao?.
Đây là những vấn đề cần phải chú trọng xem xét kỹ lưỡng để Quốc hội có cái nhìn tổng quát và cân nhắc trước khi thông qua một dự án nào đó./.