Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Chưa đủ mạnh để bảo vệ

10/06/2010

(VOV) - Ở góc độ người dân, nhiều đại biểu cho rằng, Luật chưa bao quát được các yêu cầu đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Cần tổng kết sâu hơn để đưa vào luật cho rõ

Chiều 9/6, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Công tác bảo vệ người tiêu dùng đang trở nên cấp thiết

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, so với Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nhiều nội dung, chế tài mới có thể bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về sức mạnh của luật, khi mà chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định như trong dự thảo luật còn quá chung chung, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, cơ quan pháp luật, Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn mờ nhạt.

 

Trong khi số vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng tăng cả về số lượng và mức độ, không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người tiêu dùng mà luật lại không đủ mạnh để bảo vệ thì người dân biết trông chờ vào đâu? Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) kiến nghị, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan nào đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện khi quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.

 

Đại biểu Lê Quốc Dung cũng cho rằng, đáng ra, Hội Bảo vệ người tiêu dùng phải là cơ quan đóng vai trò tích cực giúp cho các cơ quan Nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế cũng như quy định trong luật, vai trò của cơ quan này còn quá mờ nhạt. Đại biểu cũng đề nghị, trong dự thảo luật cần có những quy định thể hiện sự quan tâm đặc biệt và tăng sức mạnh cho cơ quan này. Hội phải quy tụ được những người có tâm huyết, có năng lực làm việc và phải có sức mạnh về pháp lý cũng như về tài chính. Ngoài quy định về hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, cần quy định thêm việc có thể trích lại nguồn tiền đền bù từ giải quyết các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng để Hội có điều kiện hoạt động.

 

Có ý kiến cho rằng, trong Dự thảo Luật cần quy định rõ quyền của người tiêu dùng, tránh tình trạng đề cập chung chung trong Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó tạo được cơ chế rõ ràng trong việc giải quyết tranh chấp khiếu nại mà người tiêu dùng đứng đơn.

 

Một số ý kiến khác đề nghị phải định rõ cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng, khi mà các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang hàng ngày hàng giờ diễn ra theo hướng gia tăng về số lượng lẫn mức độ.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (đoàn Nghệ An) cho rằng, trong khi tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ người tiêu dùng, cũng cần phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Đặc biệt cần ngăn chặn việc lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác như đã từng xảy ra.

 

Ngày 10/6, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn tại kỳ họp này với thành viên đăng đàn đầu tiên của Chính phủ - Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp các phiên chất vấn./.

Thanh Hà - Bích Lan

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác