Hầu hết ý kiến phát biểu của các đại biểu nhất trí với Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 do Ủy ban Pháp luật của QH trình. Các đại biểu QH cho rằng, số lượng dự luật thông qua phù hợp nhu cầu thực tế và lịch trình làm việc của QH. Một số đại biểu đề nghị, mặc dù đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, nhưng QH không nên xem xét, thông qua "cả gói", mà cần phân loại, trong đó có nhiều luật như: Luật Quảng cáo, Luật về giá,
Luật Ðất đai (sửa đổi)... cần xây dựng, thông qua sớm. Các đại biểu đề nghị QH cần nghiên cứu để đưa ra cơ chế giám sát chặt chẽ sau khi các dự án luật được thông qua, bảo đảm sự thống nhất và tính nghiêm túc của luật. Một số đại biểu băn khoăn, hiện nay tại hầu hết các lĩnh vực đều có luật điều chỉnh, nhưng phải sửa đổi, bổ sung liên tục. Ðối với một số dự án luật liên quan bộ máy, tổ chức Nhà nước, các đại biểu đề nghị, những dự luật này cần sớm xây dựng, xem xét thông qua. Một số đại biểu đề nghị cần xây dựng luật mang tính hệ thống, phù hợp đòi hỏi của đời sống thực tế. Ðặc biệt có cơ chế tăng cường năng lực xây dựng luật để các cơ quan của QH và cá nhân đại biểu QH tự xây dựng và trình dự án luật. Ðiều này đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới và phù hợp luật pháp Việt Nam. Một số đại biểu lại cho rằng, QH cần là nơi "đặt hàng" và ra "đầu bài" căn cứ nhu cầu thực tế của đời sống, Chính phủ là cơ quan xây dựng dự án luật theo "đơn đặt hàng" đó.
Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66/ 2006/QH11 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư, các đại biểu cho rằng điều này là cần thiết và phù hợp điều kiện thực tế. Dự thảo, Nghị quyết đưa ra một số tiêu chí mới theo hướng nâng mức quy mô đầu tư, số lượng di dân tái định cư, địa bàn đặc biệt quan trọng... tại các dự án được coi là dự án, công trình quan trọng quốc gia. Quy mô vốn đối với một công trình quan trọng quốc gia sẽ tăng từ 20 nghìn tỷ đồng lên 35 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm 30%. Nhiều đại biểu cho rằng nâng mức tổng vốn đầu tư là phù hợp, nhưng cần có giải trình cụ thể là tại sao là 35 nghìn tỷ đồng và có phải vốn Nhà nước phải chiếm 30% mới là công trình quan trọng quốc gia? Không lẽ có những công trình lớn, liên quan đến đời sống của bộ phận lớn người dân với số vốn hơn 35 nghìn tỷ, nhưng vốn Nhà nước chiếm không tới 30% lại không được coi là công trình quan trọng quốc gia? Nhiều đại biểu băn khoăn, đối với những công trình thay đổi mục tiêu ban đầu và thay đổi mức vốn, khiến tổng vốn tăng lên hơn 35 nghìn tỷ đồng, vậy có phải xin chủ trương đầu tư của QH không, khi mà thực tế công trình đã khởi công nhiều năm và nếu QH không thông qua, thì sẽ giải quyết thế nào? Một số đại biểu cho rằng, hiện đất nông nghiệp, đất trồng lúa đang bị thu hẹp và xu hướng này vẫn tiếp tục tăng, do vậy nên đưa việc sử dụng một tỷ lệ đất nông nghiệp nhất định vào tiêu chí đánh giá dự án, công trình quan trọng quốc gia. Cùng với đất nông nghiệp, việc sử dụng đất rừng quốc gia vào tiêu chí dự án, công trình quan trọng quốc gia được nhiều đại biểu đề cập.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Tố tụng hành chính. Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này như Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH về dự án này. Góp ý kiến vào các quy định về các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, một số đại biểu đề nghị, tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án. Các đại biểu cho rằng, khi tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính, thì có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện hành chính tại tòa án. Nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính, thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định, mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết, nhưng họ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc giải quyết lần hai), thì họ vẫn có quyền khởi kiện tại tòa án. Quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Ðề nghị cần quy định trong luật quyền lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại tòa án cho người dân, mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Một số đại biểu cho rằng, đây được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể quyền hạn của tòa án khi giải quyết vụ án hành chính như: không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện hoặc hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật, buộc bồi thường thiệt hại, nhằm bảo đảm bản án, quyết định hành chính được cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện cho việc thi hành bản án, quyết định hành chính thuận lợi, có hiệu quả.
Về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, một số đại biểu đề nghị nên quy định việc đối thoại giữa người khởi kiện và bên bị kiện trong tố tụng hành chính. Theo các đại biểu, lĩnh vực hành chính là lĩnh vực công. Quan hệ giữa hai bên trong hành chính là quan hệ giữa một bên là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thi hành quyền lực hành chính công và một bên là đối tượng chịu sự quản lý, điều hành và để bảo đảm cho việc đối thoại được thực hiện thống nhất, có hiệu quả, thì cần bổ sung quy định trình tự, thủ tục đối thoại trong dự thảo luật. Ðề nghị quy định chế tài đối với việc cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình không thực hiện hoặc chậm thực hiện yêu cầu của tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, mà không có lý do chính đáng, để nâng cao trách nhiệm xã hội và bảo đảm hiệu quả trong việc giải quyết các vụ án hành chính tại tòa án. Các đại biểu đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định hành chính và xác định một cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính. Ðồng thời đề nghị cần làm rõ có điều chỉnh đối với các khiếu kiện liên quan viên chức hay không, như quyết định kỷ luật, buộc thôi việc viên chức..., vì trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 chỉ mới điều chỉnh đối với cán bộ, công chức, còn viên chức được tách ra và sẽ được điều chỉnh trong Luật Viên chức trình QH kỳ họp sau... Một số ý kiến đóng góp về thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm; quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể thủ tục giải quyết khởi kiện hành chính có yếu tố nước ngoài...