Quy hoạch thủ đô: Cần đề phòng tác động của các nhóm lợi ích

03/06/2010

Sáng 2/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo của Chính phủ về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trung tâm hành chính quốc gia được xác định tại Ba Đình

Theo dự báo phát triển tại Báo vào về Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày, tốc độ tăng GDP của Hà Nội sẽ vào khoảng 8% trong thời kỳ 2020 - 2030, GDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 11.000 USD.

Quy mô dân số vào năm 2030 đạt khoảng 9 triệu người; đất xây dựng nông thôn cần từ 39.000 - 40.000 ha; nhà ở khu vực thành thị phấn đấu tăng lên hơn 30 m2 sàn sử dụng/người. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 70%, sẽ có nhiều vùng nông thôn được đô thị hoá thành các thị trấn.

Về phân bố không gian đô thị, Thủ đô được xây dựng phát triển bền vững theo mô hình: đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn khác thuộc khu vực nông thôn.

Đô thị trung tâm hạt nhân được giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng có khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm- Yên Viên và Long Biên.

Quy hoạch cũng sẽ hình thành các trục không gian hướng đông tây như trục Thăng Long, trục Quốc lộ 32, Láng - Hòa Lạc,  trục quốc lộ 6… Trong đó, trục Thăng Long kết nối từ đường Hoàng Quốc Việt đến Quốc lộ 21, kết nối Ba Vì với khu vực Hồ Tây - Ba Vì, với vai trò chính là trục giao thông nhưng cũng là trục hành lang hạ tầng kỹ thuật chính.

Vị trí trung tâm chính trị quốc gia vẫn được xác định tại quận Ba Đình. Và đã dành khu đất dự trữ tại Ba Vì để sau năm 2050 xây dựng các cơ quan Chính phủ.

Trung tâm hành chính của Thành phố giữ nguyên vị trí như hiện nay tại khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, các cơ quan công sở cấp thành phố sẽ được hợp khối chức năng và xác định cụ thể ở giai đoạn sau.

Tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung từ 2010 - 2030 là khoảng 60 tỷ USD, trong đó, giao thông là 33,3 tỷ USD. Giai đoạn đến năm 2050 tăng thêm khoảng 29,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 16,8 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp thu và yêu cầu liên danh tư vấn hoàn thiện quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2010.

Tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất

Trình bày báo cáo ý kiến về quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền nêu rõ: Ý kiến của các uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao nội dung Bản đồ án, các ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tuyên truyền, giải thích để nhân dân nhận thức đúng về định hướng của đồ án, tránh sự xáo trộn về tâm lý. Đồng thời cũng tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích ảnh hưởng tới các định hướng của đồ án.

Uỷ ban kinh tế cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề cụ thể về định hướng không gian đô thị, trung tâm hành chính quốc gia mới, Trục Thăng Long và Đài độc lập, các trục không gian Bắc- Nam, các định hướng phòng chống và thoát lũ, định hướng phát triển giao thông…  

Về Trung tâm hành chính quốc gia, có ý kiến cho rằng, nếu đặt Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp cả về mặt yếu tố lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh, do vậy cần làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, trong khi Trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình. Ý kiến khác đề nghị không nên tách biệt Trung tâm hành chính quốc gia khỏi Trung tâm chính trị vì cho rằng chỉ có một Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia. Hơn nữa, Đồ án chưa thể hiện rõ nét, kể cả bằng lời sự gắn kết giữa Trung tâm hành chính và Trung tâm chính trị hiện nay. Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước lập tách riêng khu vực hành chính có hiệu quả không?

Liên quan đến con số 90 tỷ USD tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tính toán kỹ hơn nữa. Phải căn cứ vào những công việc cần phải làm để đạt được mục tiêu của quy hoạch chứ không phải căn cứ vào những nội dung có thể làm được. Sự phù hợp của nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện Đồ án với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô trong các giai đoạn của quy hoạch. Vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện Đồ án quy hoạch Thủ đô cần đặt trong cân đối vốn đầu tư tổng thể của cả nước cho các dự án, công trình khác (như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh...).

Để bảo đảm đồ án quy hoạch này được thực hiện nghiêm và không ảnh hưởng đến đời sống, đến đầu tư phát triển sản xuất trong quá trình thực hiện, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có văn bản riêng quy định về việc quản lý thực hiện đồ án quy hoạch này theo quy định của Luật quy hoạch đô thị.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; nghe Uỷ viên Uỷ ban Thương vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi)./.

 

Bích Lan-Thanh Hà

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác