Cần khẳng định rõ vị trí pháp lý của cơ quan thanh tra

02/06/2010

(VOV) - Cũng như TAND, VKS, Thanh tra cùng là công cụ của Nhà nước, do đó để tạo được sức mạnh độc lập của cơ quan này, nên lấy tên là Thanh tra Nhà nước

Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Thảo luận về dự án luật này, ý kiến của các đại biểu đa phần tập trung vào các nội dung làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra; phân biệt hoạt động thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính; nên tách thanh tra nhân dân ra khỏi Luật và soạn thảo một luật mới về thanh tra nhân dân…

 

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật, các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thanh tra hiện hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra; địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ, sự không thống nhất trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, thể chế hóa đường lối, chủ trương đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra.

 

Thanh tra Nhà nước phải độc lập với Chính phủ

 

Vấn đề được cho là cốt lõi của việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này, theo nhiều đại biểu đó là phải xác định rõ địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang Bộ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Thanh tra các Bộ, địa phương là cơ quan tham mưu, giúp việc thủ trưởng cơ quan cùng cấp.

 

Quy định như thế, theo ý kiến các đại biểu là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của một cơ quan ngang Bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Một cơ quan cấp Bộ trong bộ máy Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước về ngành, lĩnh vực được phân công.

 

Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật thì Thanh tra Chính phủ lại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như một cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ. Tương tự như vậy, cơ quan thanh tra các cấp được tổ chức tại cơ quan quản lý Nhà nước, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Thanh tra là một nội dung quản lý nhà nước gắn với hoạt động quản lý nhà nước của một Bộ, ngành, một cấp chính quyền nhất định mà không phải là một ngành, lĩnh vực độc lập.

 

Cùng có những phân tích như trên, đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình), Nguyễn Văn Ba (đoàn Khánh Hòa) cho rằng những nội dung được cho là đổi mới như trình bày trong dự thảo Luật là không rõ ràng, nửa vời và không cầu thị. Cũng như Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát, Thanh tra cùng là công cụ của Nhà nước, do đó để tạo được sức mạnh độc lập của cơ quan này, nên lấy tên là Thanh tra Nhà nước, độc lập với Chính phủ. Hơn nữa, trong phạm vi điều chỉnh của Luật cũng ghi rõ luật này quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước, chứ không chỉ riêng cơ quan thanh tra của Chính phủ.

 

Trao quyền lực nhất định cho thanh tra chuyên ngành

 

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm đó là dự thảo Luật chưa phân biệt hoạt động thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính chưa rõ ràng. Dự thảo luật quy định thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước; thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, việc chấp hành những quy định về chuyên môn-kỹ thuật, quy tắc quản lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực. Xét về mặt khái niệm, thì pháp luật chuyên ngành nằm trong nội hàm của khái niệm pháp luật; còn xét về thực tiễn thì rất khó xác định được ranh giới giữa pháp luật và pháp luật chuyên ngành.

 

Đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc làm rõ khái niệm về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng chi phối đến việc quy định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại hình cơ quan thanh tra, tránh sự chồng chéo.

 

Đại biểu Đào Xuân Nay (đoàn Bình Thuận) cho rằng, không thể thiếu được thanh tra chuyên ngành, bởi đây là cơ quan cực kỳ quan trọng, làm việc rộng và hiệu quả, từ cấp trung ương tới địa phương, kể cả từng cá nhân. Do đó, để cơ quan này hoạt động hiệu quả, cần phải tạo cho nó có một “cái tầm”, một quyền lực nhất định để các kết luận của đoàn thanh tra và của mỗi thanh tra viên phải có sức mạnh; đoàn thanh tra và mỗi thanh tra viên chịu trách nhiệm về kết luận đưa ra. Các lĩnh vực y tế, tài nguyên môi trường, công thương, tài chính, giáo dục… nhất thiết phải có thanh tra chuyên ngành.

 

Đưa vấn đề thanh tra nhân dân ra khỏi luật

 

Thảo luận về vấn đề thanh tra nhân dân được quy định trong dự thảo Luật, đa số đại biểu cho rằng đồng thời với việc trình Quốc hội xem xét dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ cần chuẩn bị trình dự án Luật về hoạt động giám sát của nhân dân trên cơ sở những quy định về vấn đề này trong Luật Thanh tra hiện hành.

 

Bởi trên thực tế, hoạt động của Thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với Thanh tra nhà nước. Thanh tra nhân dân thực chất là tổ chức giám sát của nhân dân. Hiến pháp năm 1992 cũng chỉ quy định về quyền giám sát mà không quy định về quyền thanh tra của nhân dân. Do đó, việc ban hành Luật Thanh tra mới thay thế Luật Thanh tra năm 2004, trong đó tiếp tục duy trì quy định về Thanh tra nhân dân trong Luật năm 2004 là không phù hợp.

 

Cũng có ý kiến cho rằng vẫn giữ chương Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân, một phương thức quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang đặt ra nhiệm vụ là nâng cao vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan Nhà nước nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

 

Theo chương trình làm việc, ngày 2/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi); nghe tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011; tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; nghe báo cáo của Chính phủ và ý kiến của Ủy ban Kinh tế về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Thanh Hà - Bích Lan

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác