Sáng 26/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nuôi con nuôi. Đây là dự Luật thể hiện tính nhân văn của dân tộc Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng được làm cha mẹ của những cặp vợ chồng hiếm muộn, tạo điều kiện cho trẻ em có mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục; tạo hành lang pháp lý thống nhất để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Nuôi con nuôi là vấn đề xã hội, chủ yếu liên quan đến trẻ em và xảy ra ở hầu hết các quốc gia, nên đều được pháp luật các nước điều chỉnh. Vấn đề nuôi con nuôi ở nước ta cũng đã được pháp luật điều chỉnh từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa được quy định thống nhất trong một văn bản pháp luật, mà quy định lồng ghép trong Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Nghị định của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Nuôi con nuôi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về nuôi con nuôi trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thống nhất các vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi hiện được quy định tản mát trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Dự thảo Luật Nuôi con nuôi được trình ra Quốc hội lần này quy định nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ của con nuôi; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về nuôi con nuôi.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi; nuôi con nuôi ở khu vực biên giới.
|
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) phát biểu ý kiến tại Quốc hội |
Quy định rõ lệ phí đăng ký, chi phí giải quyết nuôi con nuôi
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) đồng ý với Điều 12 của dự thảo Luật Nuôi con nuôi quy định, người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhận con nuôi là người Việt Nam phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí cho việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, bao gồm chi phí lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi; xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi; thẩm định hồ sơ của người xin nhận con nuôi; nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, Luật cần quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, việc miễn, giảm và chế độ quản lý, sử dụng chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Vấn đề này là vô cùng nhạy cảm nên cần có quy định chặt chẽ và rõ ràng, minh bạch về tài chính để tránh diễn ra tình trạng buôn bán trẻ em.
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) không đồng tình với quy định tổ chức, cá nhân là người Việt Nam hay nước ngoài nhận nuôi con nuôi thì phải nộp chi phí giải quyết nuôi con nuôi. Giải thích về lý do này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, người Việt Nam hay nước ngoài nhận nuôi con nuôi hầu như đều là những người có kinh tế. Họ đã có tâm nguyện nhận nuôi con nuôi và phải trả chi phí trong quá trình giáo dục, nuôi dưỡng con rồi mà nay Luật yêu cầu phải trả chi phí giải quyết nuôi con nuôi thì quá là gây khó khăn đối với họ.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, người nhận nuôi con nuôi chỉ cần trả lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng băn khoăn việc người nước ngoài nhận nuôi con nuôi là người Việt Nam thì phải nộp lệ phí là bao nhiêu. Ngược lại, người Việt Nam muốn nuôi con nuôi là người nước ngoài thì lệ phí như thế nào. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, các khoản chi trả đăng ký nuôi con nuôi phải được ghi rõ trong Luật. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng khiếu kiện, thắc mắc của người nhận nuôi con nuôi.
Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Phan Thị Thu Hà (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến: Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nên được giới thiệu, trưng bày ở các tổ chức Việt Nam ở nước ngoài để người nước ngoài biết rõ các quy định, điều lệ khi nhận người Việt Nam làm con nuôi.
Cần quy định chi tiết việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là việc cho nhận con nuôi ở khu vực biên giới. Hầu hết các ý kiến đều nhận định, đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến mối quan hệ về họ tộc, dân tộc, thân tộc của đồng bào dân tộc có chung đường biên giới với Việt Nam. Chính phủ cần sớm đàm phán, ký kết với các nước làng giềng để có được những điều ràng buộc, quy định thống nhất trong việc giải quyết nuôi con nuôi ở khu vực biên giới.
Đại biểu Tống Văn Thoóng (đoàn Lai Châu) cho rằng: Điều 42 quy định về việc nuôi con nuôi ở vùng biên giới, nhưng trong thời gian qua, chúng ta chưa có quy định nào để giải quyết việc đăng ký, quản lý việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới nên việc giải quyết vấn đề này vẫn còn lúng túng. Vì vậy, Chính phủ nên quy định chi tiết việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, bởi vì mỗi dân tộc có những phong tục tập quán khác nhau, nhận thức vấn đề khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: Không nên quy định trong Luật vấn đề nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, bởi vì trên thực tế cho đến nay, chưa có trường hợp nào được đăng ký. Ngoài ra, nuôi con nuôi ở khu vực biên giới là vấn đề phức tạp, liên quan đến một số nước có chung đường biên giới với nước ta, liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số của Việt Nam cũng như của các nước láng giềng.
Nên khuyến khích nhận trẻ có HIV/AIDS làm con nuôi
Trong dự thảo Luật Nuôi con nuôi có đề cập đến việc Uỷ ban Nhân dân, Sở Tư pháp, các cơ quan ở địa phương phải lập hồ sơ giới thiệu, báo cáo về tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em được nhận làm con nuôi. Vấn đề này, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) phản đối và cho rằng, nếu làm như vậy sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử đối với trẻ em. Nếu người nhận nuôi con nuôi đều chọn trẻ có sức khỏe tốt, hình thể cân đối thì sẽ không có ai nhận nuôi trẻ khuyết tật, trẻ có HIV/AIDS...
Quan điểm trên cũng được đại biểu H`Luộc Ntơr (đoàn Đắk Lắk) đồng tình và cho rằng, trong Luật Nuôi con nuôi nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhận con nuôi mắc các bệnh hiểm nghèo, bị khuyết tật, có HIV/AIDS... Điều này sẽ góp phần giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những trẻ em không may mắn như trên.
Chiều nay (26/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bưu chính./.