Bế mạc Phiên họp thứ Ba mốt của UBTVQH

13/05/2010

* Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri: tiến tới xây dựng quy trình giải quyết kiến nghị của cử tri chuyên nghiệp, bài bản hơn * Chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy: bố trí thời gian thảo luận nhiều hơn cho những nội dung quan trọng

Chiều 12.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Ba mốt.

 

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, QH khóa XII và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy.

 

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, QH khóa XII do Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng trình bày, tại Kỳ họp thứ Sáu, thông qua các Đoàn ĐBQH, cử tri cả nước đã gửi đến UBTVQH 1.687 kiến nghị. Kiến nghị của cử tri tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Công thương; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế. Tính đến ngày 10.5.2010, các cơ quan có trách nhiệm đã nghiên cứu và trả lời 1.170 kiến nghị, 18 kiến nghị chưa có văn bản trả lời. Nhìn chung chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao, nhiều kiến nghị đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, một số văn bản trả lời chưa đúng, chưa sát với nội dung kiến nghị của cử tri; việc trả lời và thông báo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ còn chậm. Các cơ quan chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, đề ra lộ trình cụ thể trong việc ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp với những vấn đề nảy sinh trong đời sống thực tiễn, còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết…

 

Các Ủy viên UBTVQH cho rằng Báo cáo đã được chuẩn bị công phu, phản ánh khá toàn diện, sát thực tình hình giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nên bổ sung vào Báo cáo phụ lục, danh mục các công việc cơ quan có thẩm quyền đã làm được để đánh giá chính xác hơn kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. HĐDT, các Ủy ban của QH không chỉ quan tâm đến công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà phải xây dựng kế hoạch ban hành văn bản, các biện pháp tổ chức thực hiện; tiến tới xây dựng một quy trình giải quyết kiến nghị của cử tri bài bản, chuyên nghiệp, thể hiện trách nhiệm đến cùng với cử tri. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, Báo cáo còn tổng hợp chung các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan hữu quan ban hành; cần lọc ra được đâu là văn bản chỉ đạo, điều hành, đâu là văn bản ban hành để giải quyết kiến nghị của cử tri. Ngoài ra, cũng cần bổ sung kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri về công tác thi hành án vì đây cũng là bức xúc của cử tri thời gian qua. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, có những kiến nghị của cử tri mới được giải quyết trên văn bản mà chưa được triển khai thực hiện, Báo cáo cần đánh giá sâu sắc, thực chất hơn giữa giải quyết kiến nghị của cử tri trên văn bản với việc giải quyết trong thực tế.  Chính phủ đã ban hành một số chính sách để giải quyết những kiến nghị của cử tri nhưng các bộ lại chậm ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện nên chính sách chậm đi vào cuộc sống. Cùng với tăng cường giám sát, cần chỉ ra những địa chỉ làm tốt và địa chỉ làm chưa tốt trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri. Có thể công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để thúc đẩy các cơ quan hữu quan nâng cao trách nhiệm của mình; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân cùng với QH, các cơ quan QH giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Một số Ủy viên UBTVQH cũng lưu ý thêm, vì đây là báo cáo của UBTVQH trình QH nên phải thể hiện rõ được tiếng nói của UBTVQH, những kiến nghị trong Báo cáo phải là kiến nghị với QH chứ không phải kiến nghị với UBTVQH.

 

Trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn cho biết: Kỳ họp thứ Bảy, QH khóa XII dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20.5.2010, bế mạc vào ngày 19.6.2010. Đến nay, về cơ bản các nội dung dự kiến trình tại Kỳ họp đã được UBTVQH cho ý kiến, nhiều tài liệu đã gửi đến các ĐBQH, phần còn lại đang được các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện. Việc bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất cho Kỳ Họp đều đã và đang được tiếp tục chuẩn bị chu đáo.

 

Cơ bản tán thành với các nội dung trong Tờ trình chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, thời gian làm việc của Kỳ họp thứ Bảy không nhiều nhưng có nhiều nội dung quan trọng như dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, những dự án luật có tác động lớn đến đời sống xã hội… nên bố trí thời gian nhiều hơn để các ĐBQH thảo luận và nên bố trí vào đầu Kỳ họp, không nên để cuối Kỳ họp. Ngoài ra, nên dành hai ngày thứ bảy, chủ nhật cho các ĐBQH có thêm thời gian nghiên cứu tài liệu. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đề nghị, nên tăng thời gian thảo luận ở tổ về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

 

Về hình thức thảo luận Đồ án quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng, tuy đưa vào chương trình nghị sự của QH nhưng Chính phủ lại chỉ báo cáo cho QH biết chứ không phải trình QH. Nên chăng chỉ thảo luận ở tổ, còn dành thời gian thảo luận ở hội trường cho những nội dung quan trọng khác. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, việc Chính phủ báo cáo QH Đồ án quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hợp lý. Hà Nội là thủ đô của cả nước. Đồ án quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tổ chức xin ý kiến nhân dân cả nước thì tại sao lại không nên đưa ra QH thảo luận? Việc QH thảo luận cũng chính là một hình thức giám sát, nếu có những nội dung, vấn đề nào chưa phù hợp thì QH có thể góp ý và trên cơ sở đó Chính phủ có trách nhiệm tiếp thu, hoàn thiện. QH cũng cần có trách nhiệm cùng với Chính phủ quyết định hình hài của thủ đô trong tương lai.

H.VÂN

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác