Cần sửa nghị quyết về dự án quan trọng quốc gia

07/05/2010

Chiều 6/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 66).

Sau khi ra đời, Nghị quyết 66 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và giám sát việc thực hiện các công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, do kinh tế xã hội phát triển vì vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66 cho phù hợp với tình hình thực tiễn và để đồng bộ với hệ thống pháp luật về đầu tư sử dụng vốn nhà nước đang được hoàn thiện.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề chưa thống nhất như ban hành một nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 66 hay hai nghị quyết riêng cho các dự án, công trình đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; Tiêu chí về các dự án, công trình quan trọng quốc gia...

Theo tờ trình của Chính phủ, có năm tiêu chí xác định các dự án, công trình quan trọng quốc gia bao gồm Quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư; Dự án công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng và dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về năm tiêu chí trên, nhưng chưa đồng thuận về một số nội dung cụ thể quy định về tổng vốn đầu tư, các quy định về dự án, công trình có ảnh hưởng đến môi trường...

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng cần nghiên cứu kỹ hai phương án mà Tờ trình của Chính phủ đưa ra về tổng vốn đầu tư trong nội dung tiêu chí của các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Nếu giữ mức 20.000 tỷ đồng thì sẽ có rất nhiều dự án trình Quốc hội xem xét mà Quốc hội khó có đủ khả năng, điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cần bổ sung hạn mức sử dụng diện tích đất nông nghiệp vào trong tiêu chí xác định dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cần nghiên cứu ban hành một Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66 mà không nên ban hành thêm một nghị quyết mới điều chỉnh hoạt động dự án, công trình quan trọng trong đầu tư nước ngoài.

Tổng kết ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần thiết đệ trình tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 12 về việc xây dựng ban hành một nghị quyết mới sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66.

Về tiêu chí xác định các dự án, công trình quan trọng quốc gia, đại đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thương vụ Quốc hội đồng ý quy định mức quy mô 35.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên. Tuy nhiên, cần nghiên cứu và thể hiện rõ ràng hơn về tỷ lệ % vốn Nhà nước trong tổng vốn đầu tư của công trình.

Do hoạt động đầu tư ở nước ngoài mang tính rủy ro cao, liên quan đến việc sử dụng, đáp ứng và kiểm soát nguồn ngoại tệ, nên mức quy mô tổng đầu tư của các dự án, công trình đầu tư nước ngoài và tỷ trọng vốn của Nhà nước trong các công trình, dự án này cũng phải thấp hơn mức đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và thể hiện cụ thể hơn về quy định liên quan đến thời hạn gửi hồ sơ đến cơ quan thẩm tra; hạn mức tỷ lệ phát sinh tăng vốn đầu tư, kéo dài thời gian dự án, công trình phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất xem xét, quyết định...

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đề nghị Chính phủ cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung Dự thảo Nghị quyết cũng như kỹ thuật lập pháp trong quá trình xây dựng tờ trình, báo cáo đánh giá tác động... để chuẩn bị trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới./.

 

 

Xuân Khu (Vietnam+)

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác