Trong buổi làm việc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và dự án Luật các tổ chức tín dụng.
Về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), các đại biểu tập trung vào 15 vấn đề; trong đó có vấn đề lãi suất, thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, dự trữ ngoại hối quốc gia, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình chính sách tiền tệ quốc gia, quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi…
Lãi suất cơ bản vẫn là vấn đề nóng và được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều đại biểu không đồng tình với quy định trong dự thảo về việc không quy định lãi suất cơ bản; và đề nghị cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất để đảm bảo nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ. Trong khi đó, theo Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án luật, không nên áp dụng thống nhất một loại lãi suất cho cả hoạt động ngân hàng và các giao dịch dân sự khác, vì có những khác biệt rất căn bản.
Tuy nhiên, đề nghị này nhiều đại biểu không đồng tình. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị bỏ Khoản 3 của Điều 13 “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ Luật Dân sự, trừ hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng”, vì tất cả quan hệ cho vay của tổ chức tín dụng hay của cá nhân đều là quan hệ dân sự.
Về thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật phải tuân thủ quy định của Hiến pháp là “Quốc hội quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia”. Do đó, nhất trí với quy định: Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm và giám sát việc thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia.
Tuy nhiên, Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định công cụ và biện pháp thực hiện mục tiêu Chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: “Dự án Luật này khi ban hành là để áp dụng trong một thời gian dài hợp lý, chứ không chỉ áp dụng cho thời kỳ xảy ra khủng hoảng tài chính – kinh tế. Chúng ta cũng phải thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X và Nghị quyết của Bộ Chính trị là tiến tới sớm xây dựng một Ngân hàng Trung ương độc lập, cho nên Luật này tiến thêm một bước nữa là tăng tính độc lập của Ngân hàng với tư cách là thành viên Chính phủ nhưng thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương”.
Cũng trong sáng 6/5, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật các tổ chức tín dụng.
Chiều 6/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào việc sửa đổi Nghị quyết 66 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư./.