ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

19/03/2018

Chiều 19/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên chất vấn 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Tham dự phiên chất vấn có thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương; lãnh đạo các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội và làm rõ các vấn đề liên quan đến hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Trả lời câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường Phùng Đức Tiến về cơ chế, chính sách để giúp cho các viện, trường đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, đây là một trong những trọng tâm công tác song thực trạng chậm thương mại hóa kết quả nghiên cứu là một trong những trăn trở của các thế hệ lãnh đạo Bộ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi 

Thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Khẳng định hiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy đưa khoa học công nghệ vào sản xuất đã được thay đổi, và tập trung rõ nhất tại Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng chỉ rõ, quá trình triển khai thi hành Luật hiện hành vẫn đang thiếu đi sự quan tâm của doanh nghiệp, cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, ủng hộ về quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ không chỉ nghiên cứu khoa học, mà còn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo bao gồm cả thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu, để giúp tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, sáng tạo.

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay với các bộ, ngành để cùng vào cuộc. Ví dụ, để thực hiện chủ trương nuôi tôm theo chuỗi giá trị, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 10 tỷ USD, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ngay lập tức chỉ đạo các viện nghiên cứu tham gia từ khâu giống, kỹ thuật thả nuôi, chế biến phụ phẩm... Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ kỳ vọng với tinh thần này, bước đi đúng hướng và cách làm đã rõ, thì hiệu quả của thả nuôi tôm sẽ thực sự thay đổi.

Khắc phục lãng phí trong tổ chức nghiên cứu, triển khai đề tài khoa học

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đề nghị Bộ trưởng làm rõ tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn kéo”, không có giá trị áp dụng vào thực tiễn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ, “bỏ ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu khoa học đúng là vấn đề rất trăn trở. Với trách nhiệm với từng đồng thuế của nhân dân, nhìn một cách tổng thể, thấu đáo, thì kết quả nghiên cứu chậm ứng dụng vào cuộc sống cũng là lãng phí. Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ một số đặt thù của ngành khoa học và công nghệ là các nghiên cứu thường có độ trễ, có rủi ro, có những nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ công ích.

Về giải pháp, cùng với việc kết nối khoa học và công nghệ phục vụ kinh tế xã hội, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ đang tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu của khoa học và công nghệ, nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng triển khai.

Nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ đang chuyển động theo hướng tích cực hơn theo hướng tăng đầu tư cho các đề tài cấp quốc gia, tăng đầu tư vào khu vực trọng điểm gắn với doanh nghiệp, với cơ chế đối tác công tư để tăng cường hiệu quả. Bên cạnh đó, sự tham gia của xã hội, huy động nguồn lực xã hội cũng được quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương tranh luận tại phiên chất vấn

Tranh luận về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương thẳng thắn nêu tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn tủ” vẫn còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các đề tài không gắn với ứng dụng thực tiễn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị cần phải có giải pháp cụ thể hơn tránh lãng phí trong nghiên cứu khoa học.

Làm rõ hơn phần tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, để khắc phục và hạn chế tình trạng lãng phí trong nghiên cứu, Bộ đã đã có chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chủ động phối hợp với các địa phương xác định triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ tập trung vào những vấn đề gắn với phát triển kinh tế xã hội, hạn chế các nghiên cứu cấp cơ sở. Hiện nay, các địa phương đã kiên quyết bỏ các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội cấp cơ sở để dồn nguồn lực cho các nghiên cứu trọng điểm cấp tỉnh.

Mặt khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, tình trạng trùng lặp trong giao nhiệm vụ khoa học công nghệ giữa các bộ ngành và địa phương; kết quả nghiên cứu của các đề tài chưa ứng dụng hiệu quả và sử dụng ứng dụng dẫn đến lãng phí nguồn lực lớn. Bộ Khoa học Công nghệ cần phải nhìn nhận trách nhiệm và đưa ra giải pháp khắc phục.

Nhận rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học Công nghệ trong quản lý nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, lưu giữ và công bố kết quả nghiên cứu khoa học; công khai minh bạch xử lý trùng lặp; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường kiểm tra rà soát ngày từ khâu đăng ký đề tài để tránh trùng lặp.

Tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện 3 nhóm giải pháp then chốt

Trước đó, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết khoa học và công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi và có đóng góp thiết thực đối với sự phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả ứng dụng các kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thực tiễn còn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, doanh nghiệp cũng như mục tiêu đề ra của chính các nhà khoa học và cơ quan đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn còn gặp khó khăn do thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển, thiếu các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung cầu. Năng lực của các viện nghiên cứu, trường đại học (nguồn cung sản phẩm khoa học và công nghệ) còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn rất yếu kém.

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp trụ cột. 

Một là, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của lực lượng khoa học và công nghệ trong nước để đủ năng lực tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Tạo môi trường chính sách thực sự thuận lợi, lành mạnh, gỡ bỏ các rào cản và giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của lực lượng khoa học và công nghệ. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là phương thức đầu tư và cơ chế tài chính, chú trọng chất lượng, hiệu quả và tác động của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội... 

Hai là, thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ và quan tâm đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ; quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác trao đổi nhân lực trình độ cao giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp... 

Ba là, phát triển các định chế trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; công bố các kết quả khoa học và công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước; tăng cường kết nối giữa viện, trường với doanh nghiệp để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện cơ chế giao quyền sở hữu các kết quả khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì hoặc cá nhân nhà khoa học để thúc đẩy hoạt động ứng dụng và mua bán, thương mại hóa các kết quả khoa học và công nghệ..../.

Bảo Yến - Hiếu Quỳnh