ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

13/03/2018

Sáng 13/03, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục đại học, đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau gần 05 năm triển khai thực hiện, Luật Giáo dục đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những hạn chế này đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục đại học. Do đó, yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục đại học; đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, tính thực tiễn, khả thi, tính kế thừa và phát triển. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có bố cục gồm 03 điều. Nội dung sửa đổi tập trung vào các vấn đề về nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học, mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Thay mặt Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học; cho rằng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 29/NQ-TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI (NQ 29) đang ngày càng trở nên cấp thiết khi mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những đòi hỏi mới, phức tạp và biến động về cơ cấu, trình độ, chất lượng nhân lực ở các nước trên thế giới.

Về hệ thống giáo dục đại học, dự thảo Luật quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học bao gồm đại học quốc gia, đại học, trường đại học và học viện; quy định giáo dục đại học bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng cho rằng, việc phân chia hệ thống giáo dục đại học như trong dự thảo Luật chưa giải quyết và bao quát hết sự đa dạng và phức tạp của các mô hình trường đang tồn tại trong thực tiễn, đồng thời chưa đưa ra được tiêu chí cụ thể để phân biệt giữa đại học quốc gia với đại học, giữa trường đại học với học viện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng thống nhất hệ thống giáo dục đại học bao gồm các đại học và trường đại học; quy định đại học là tổ hợp các trường đại học (theo định nghĩa của Luật giáo dục đại học hiện hành); trong đó, Đại học Quốc gia được quy định trong Luật Giáo dục đại học là Đại học có nhiệm vụ chiến lược cấp quốc gia. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị, dự án Luật cần đề ra cơ chế cho phép các đơn vị thành viên của Đại học được sáp nhập hoặc chia tách khỏi đại học; giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế tổ chức, hoạt động của các đại học phù hợp với tính chất, yêu cầu và mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu ý kiến

Liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần đưa ra các quy định tạo điều kiện cho việc hình thành các nhóm nghiên cứu trong trường đại học hoặc nhóm trường, ngành liên quan và hỗ trợ tương xứng để phát triển khoa học và công nghệ. Một số ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn cơ chế khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Phát biểu góp ý về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, nghiên cứu khoa học không chỉ là nội dung khuyến khích mà là trách nhiệm của các trường đại học.

Về quản trị và tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị, đi đôi với mở rộng tự chủ là vấn đề làm rõ trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là vai trò, năng lực của Hội đồng trường. Dự thảo cần quy định rõ điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được tự chủ; đồng thời, làm rõ trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc minh bạch, khách quan và trung thực, thông qua chế độ thông tin, báo cáo, kiểm toán tài chính, công khai kết quả hoạt động thường niên và chịu trách nhiệm trước pháp luật; cũng như quy định rõ về cơ chế kiểm định chất lượng trong việc thực hiện tự chủ đại học.

Toàn cảnh phiên họp

Đối với quy định về thời gian đào tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, nhiều ý kiến tán thành việc rút ngắn thời gian học và quy định thống nhất quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ như quy định tại dự thảo Luật nhưng yêu cầu phải có sự thống nhất và tương thích với khung trình độ quốc gia, nhất là cơ chế liên thông trong đào tạo giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học khi rút ngắn thời gian đào tạo.

Đa số ý kiến đề nghị cần xem xét có sự phân định giữa trình độ đại học 3-4 năm với trình độ đại học từ 5 năm trở lên theo hướng quy định người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư (học từ 5 năm trở lên)… được công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ, phù hợp với quy định hiện nay trong khung trình độ quốc gia và cũng phù hợp với cách xử lý hiện nay trong giáo dục đại học trên thế giới.

Liên quan đến nội dung về học phí, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng tán thành việc cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức phí dịch vụ đào tạo. Đi đôi với cơ chế học phí này cần quy định cơ chế giám sát để kiểm soát việc thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục bậc cao khi tăng mức học phí cũng như bổ sung văn bản hướng dẫn chi tiết về giá và mức giá dịch vụ đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đánh giá hồ sơ Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu. Tuy nhiên, để hoàn thiện và nâng cao chất lượng của hồ sơ dự án Luật, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một số tài liệu như Báo cáo thuyết minh các nội dung sửa đổi, một số tài liệu tham khảo, tổng kết kinh nghiệm quốc tế liên quan đến các nội dung chính sách được đề xuất sửa đổi và dự kiến các văn bản hướng dẫn kèm theo…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục bổ sung chỉnh sửa, hoàn thiện Tờ trình; bổ sung thêm bảng so sánh các quy định giữa Luật mới và Luật cũ; rà soát, đối chiếu với các nội dung quy định trong Luật này với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các luật khác có liên quan để đàm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát trong 04 nội dung tập trung sửa đổi đã đủ để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ đất nước chưa, có cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh hay không. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đến các nội dung quy định liên quan trực tiếp đến sinh viên và giảng viên đại học để từng bước hoàn thiện nội dung dự án luật.

Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến vấn đề việc quản lý tài sản trong giáo dục đại học; chức danh giảng dạy; việc huy động, thu hút giảng viên giỏi; chính sách cho các ngành nghề đặc thù…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tiếp thu ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội

Thay mặt Chính phủ tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng những ý kiến góp ý tại phiên họp hôm nay rất xác đáng, Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu và ngay sau phiên họp sẽ khẩn trương bổ sung các tài liệu để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội; đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, điều chỉnh các lỗi kỹ thuật văn bản. Đồng thời rà soát kỹ các nội dung sửa đổi để hoàn chỉnh dự án Luật, đảm bảo tính kế thừa, tính đồng bộ, thống nhất với các Luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Thu Phương - Trọng Hiếu - Trọng Quỳnh - Lê Huy