*Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Chưa rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước
* Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh: Đề nghị QH xem xét chủ trương, quy hoạch chung toàn tuyến và quyết định các dự án thành phần
Sáng 17.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ người tiêu dùng còn mang tính tuyên ngôn, khó thực hiện, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; chưa có cơ chế giải quyết các khiếu nại, tranh chấp hữu hiệu để người tiêu dùng có thể tự bảo vệå mình; chưa có chế tài đặc thù, đủ sức răn đe để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa được quy định rõ ràng. Sự ra đời của Luật Bảo vệ người tiêu dùng là một yêu cầu cấp thiết để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày, khẳng định: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao tính khả thi, minh bạch của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cá nhân, tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, cần đối chiếu với các quy định pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thương mại, cạnh tranh…và tham chiếu với các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, cần xem xét thêm mối quan hệ giữa người tiêu dùng và người sản xuất. Một số trường hợp, người sản xuất là người có lỗi trong việc tạo ra những sản phẩm tác động không tốt đến người tiêu dùng. Do đó, dự thảo Luật cần có quy định về trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng trong việc công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; trong quảng cáo hàng hóa, dịch vụ và giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị làm rõ: quy định như dự thảo Luật có phải là người sản xuất không có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng hay không? Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật mới đề cập đến hàng hóa, dịch vụ thông thường mà chưa quan tâm đến hàng hóa, dịch vụ trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các dịch vụ công, dịch vụ hưởng ưu đãi của nhà nước. Với những dịch vụ liên quan đến đời sống tinh thần, văn hóa của người tiêu dùng như dịch vụ giáo dục, y tế thì quy định như thế này là chưa đủ. Trong các trường hợp này, các cơ quan Nhà nước không chỉ dừng lại ở khuyến khích các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng mà còn phải trực tiếp tham gia để kiểm định chất lượng… Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng bày tỏ băn khoăn: quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng luật mới chỉ dựa trên nguyên tắc bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng… mà chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước.
Nhiều Ủy viên UBTVQH chưa đồng tình với quy định một phần kinh phí hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Thu Ba, cần thiết phải có các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng đây phải là tổ chức được xã hội hóa. Hiện nay, hoạt động của rất nhiều tổ chức xã hội vẫn chủ yếu do ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng xu hướng trong thời gian tới là tiến tới xóa bỏ bao cấp của nhà nước đối với các tổ chức này. Vì vậy, dự thảo Luật nên thiết kế lại cho phù hợp.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh được lập nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải ngày càng tăng cao, trong khi năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc – Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Tổng công ty đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư của dự án này. Tổng mức đầu tư của dự án là 55.853 triệu USD, khoảng 35,6 triệu USD/km, được huy động từ nguồn vốn vay ODA, Ngân sách Nhà nước và vốn của doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm cần huy động 4.368 triệu USD, tương đương khoảng 10 – 15% tổng mức đầu tư của xã hội. Với mức đầu tư này, dự án đường sắt cao tốc vẫn nằm trong giới hạn đầu tư và không ảnh hưởng đến việc cân đối vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án ngành khác. Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh được hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường sắt trong năm 2020 và những năm tiếp theo; góp phần giảm thiểu số lượng người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông gây ra; giảm lượng khí thải ảnh hưởng tới môi trường; rút ngắn thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế và liên kết chặt chẽ các khu công nghiệp trên tuyến đường Bắc – Nam. Chính phủ đề nghị đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh cần được thiết kế, xây dựng từ năm 2012 để kịp vận hành trước các đoạn tuyến TP Hồ Chí Minh – Nha Trang, Hà Nội – Vinh trong năm 2020, vận hành toàn tuyến trong năm 2035.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày cơ bản tán thành với việc xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Báo cáo đầu tư Dự án cần phân tích sâu hơn nhu cầu thị trường vận tải hành khách đối với loại hình dịch vụ vận tải cao cấp này và những lợi thế vượt trội của việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc so với việc đầu tư các loại hình giao thông khác. Hơn nữa, xây dựng đường sắt cao tốc sẽ ảnh hưởng tới 16.529 hộ gia đình tại 20 tỉnh, thành phố, nên cần xây dựng các phương án di dân, tái định cư cụ thể hơn; đặc biệt, đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hiện đã không còn quỹ đất dự trữ để quy hoạch đô thị. Đường sắt cao tốc cũng đi qua một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các dải rừng nguyên sinh, nên cần nghiên cứu phương án xây dựng hợp lý nhất, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường, cảnh quan. Tờ trình cũng chưa giải trình rõ về giá thành đầu tư, giá phương tiện vận tải; tính hợp lý trong dự toán vốn và phương thức huy động vốn; hiệu quả kinh tế tổng hợp của dự án trong cân đối chung giữa vốn đầu tư và lợi ích kinh tế... Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhấn mạnh, dự án được thực hiện trong thời gian dài, với quy mô vốn lớn nên đề nghị QH sẽ xem xét chủ trương, quy hoạch chung toàn tuyến và quyết định các dự án thành phần.
Cơ bản tán thành với nhiều quan điểm trong Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, từ năm 2012 – 2030, nước ta cần một lượng vốn lớn để hoàn thành nhiều dự án cấp bách cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, phương án huy động vốn không thể chỉ tính cho riêng ngành giao thông - vận tải, cần cân đối với các mục tiêu khác trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần giải trình cụ thể hơn quy hoạch của đường sắt cao tốc trong mối quan hệ với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông chung; các phương án huy động vốn; hiệu quả kinh tế của dự án… để ĐBQH có thêm căn cứ đánh giá tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng, cần tính toán các phương pháp bảo đảm an toàn cho đoàn tàu cao tốc. Bởi trên toàn tuyến có nhiều dạng địa hình, trong khi, khả năng quản lý và ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông của người dân còn nhiều hạn chế. Nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, Chính phủ cần công bố công khai dự án này để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Chính phủ đã đưa ra hai phương án chọn hướng tuyến cho đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Thứ nhất là, toàn tuyến có chiều dài 1.570 km, có 117 hầm, với kinh phí xây dựng khoảng 14 tỷ USD. Thứ hai là, toàn tuyến có chiều dài 1.542 km, có 190 hầm, với kinh phí xây đựng khoảng 16 tỷ USD. Chính phủ đề nghị lựa chọn phương án thứ nhất do kinh phí xây dựng thấp hơn 17% so với phương án thứ hai. Cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ, nhưng Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh băn khoăn, dự án sẽ xây dựng 27 ga trên toàn tuyến, trung bình khoảng 58 km/ga. Khoảng cách như vậy sẽ làm tăng thời gian dừng, đỗ, tăng tốc, rất khó bảo đảm đạt vận tốc trung bình 300km/giờ. Mặt khác, một số địa phương chưa hoàn toàn thống nhất về vị trí, quy mô nhà ga, hướng tuyến… của đường sắt cao tốc. Do vậy, Báo cáo đầu tư dự án đường sắt cao tốc cần trình bày cặn kẽ tính khả thi của phương án hướng tuyến này, đánh giá các tác động với mỗi địa phương nằm trên tuyến đường sắt cao tốc.