Dự phiên họp, có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; đại diện một số bộ, ngành hữu quan.
Thực hiện Nghị quyết số 39/2009/QH12 ngày 16-11-2009 của QH khóa XII về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2010 và Nghị quyết số 869/NQ-UBTVQH12 ngày 16-12-2009 của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) thành lập Ðoàn giám sát về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học", trong thời gian vừa qua, Ðoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan, Ủy ban nhân dân (UBND) một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và tất cả các cơ sở GDÐH trên cả nước báo cáo về những nội dung được đề nghị cụ thể đối với từng cơ quan; nghe báo cáo và thảo luận với một số bộ, ngành T.Ư trực tiếp liên quan đến quản lý vĩ mô về GDÐH; đề nghị Ðoàn ÐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức giám sát độc lập về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với các cơ sở GDÐH trên địa bàn, gửi báo cáo về Ðoàn để tổng hợp. Ðồng thời, Ðoàn tiến hành khảo sát trực tiếp tại 51 cơ sở GDÐH trong cả nước; làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Hà Nội, có sự tham gia của lãnh đạo 139 trường đại học (ÐH), cao đẳng (CÐ) trên địa bàn; làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo các trường ÐH, CÐ trực thuộc và họp với đại diện lãnh đạo của 12 bộ có nhiều cơ sở GDÐH. Tổ chức hai hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý GDÐH và lãnh đạo một số cơ sở GDÐH tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá chung của Ðoàn, trong những năm qua, nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của QH, Chính phủ, sự nỗ lực của ngành giáo dục cùng với sự tận tụy của đội ngũ cán bộ, giảng viên (CB, GV), tinh thần hiếu học và truyền thống chăm lo cho giáo dục của nhân dân, GDÐH nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hơn mười năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã từng bước được bổ sung, đổi mới, góp phần thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Ðảng và Nhà nước về GDÐH; Nhà nước thực hiện ưu tiên đầu tư cho giáo dục nói chung và GDÐH nói riêng ở mức cao, giá trị tuyệt đối tăng hằng năm theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhờ đó, năng lực đào tạo của cả hệ thống được tăng cường; quy mô đào tạo không ngừng tăng; công bằng xã hội trong GDÐH được thực hiện tốt hơn, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng miền; công tác xã hội hóa GDÐH đã thu được kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc mở rộng hệ thống trường ngoài công lập, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho GDÐH; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; công tác quản lý chất lượng đào tạo có bước đổi mới; công tác nghiên cứu khoa học trong các trường ÐH, CÐ đã có những kết quả đáng khích lệ. GDÐH đã cung cấp cho đất nước hàng triệu nhân lực có trình độ CÐ, ÐH, hàng chục nghìn cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Ðây là lực lượng quan trọng, giữ vai trò nòng cốt của quá trình CNH, HÐH, thúc đẩy sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, Ðoàn giám sát cũng cho rằng, hệ thống văn bản QPPL được ban hành còn chậm, thiếu đồng bộ, cụ thể, khả thi và chưa hoàn chỉnh. Việc thành lập, nâng cấp các trường ÐH, CÐ và mở ngành đào tạo còn nhiều bất cập. Nhiều trường ÐH, CÐ công lập được nâng cấp hoặc chuyển từ đào tạo chuyên ngành sang đào tạo đa ngành không đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Việc mở trường và mở ngành tràn lan dẫn tới tình trạng mất cân đối về hình thức, trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng, miền. Hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho GDÐH còn hạn chế.
Chất lượng GDÐH nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và CNH, HÐH đất nước.
Sau khi chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế, bất cập, Ðoàn giám sát đã đề xuất, kiến nghị QH sớm cho xây dựng Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống GDÐH. Ðồng thời, đề nghị QH cho chủ trương để sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong các luật khác có liên quan giáo dục nói chung và GDÐH nói riêng (Luật Ðất đai, Luật Thuế, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư...) nhằm tạo điều kiện cho GDÐH phát triển nhanh và bền vững, đưa công tác xã hội hóa sự nghiệp giáo dục đạt những thành tựu lớn hơn. Trước mắt, đề nghị QH ban hành Nghị quyết về GDÐH sau khi giám sát để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc về cơ chế nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GDÐH trong giai đoạn hiện nay.
Ðối với Chính phủ, các bộ, ngành, Ðoàn giám sát đề nghị rà soát lại hệ thống văn bản QPPL về GDÐH; khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình QH ban hành những QPPL còn thiếu, sửa đổi những QPPL chưa hợp lý, bảo đảm tính hệ thống của pháp luật và đáp ứng tình hình thực tiễn; xem xét điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới và Ðiều lệ các trường ÐH để các tiêu chí, điều kiện thành lập trường, mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2010 - 2020 có tính khả thi và thực tiễn hơn, trong đó đặc biệt quan tâm các tiêu chí về cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên cơ hữu, suất đầu tư cho sinh viên/năm học... Ngoài những kiến nghị nói trên, Ðoàn giám sát còn đưa ra nhiều kiến nghị đối với các bộ, ngành, địa phương.
Sau khi nghe đại diện Ðoàn giám sát báo cáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã phát biểu ý kiến, làm rõ thêm các vấn đề trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, về đầu tư cho GDÐH và về bảo đảm chất lượng đào tạo.