QUỐC HỘI KHÓA XIV
TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI
_________
Số: 1541/TB-TTKQH
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_________________
Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2017
|
THÔNG BÁO
Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
tại phiên họp thứ 19 (tháng 12/2017)
_________________
Từ chiều ngày 11 đến ngày 14/12/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 19 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để cho ý kiến về 05 nội dung, tiến hành giám sát 01 chuyên đề và thông qua 07 nghị quyết.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trân trọng thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp như sau:
1. Việc tổng kết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
Từ thực tiễn diễn biến kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, của cử tri và dư luận chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, kỳ họp thứ 4 đã hoàn thành tốt khối lượng lớn công việc với nhiều quyết sách quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Việc thảo luận tại kỳ họp có nhiều cải tiến và đổi mới, tạo không khí sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn, tính tranh luận thể hiện ở hầu hết các phiên họp. Công tác chuẩn bị kỳ họp cơ bản đáp ứng yêu cầu của Quốc hội. Các nội dung kỳ họp bảo đảm quán triệt đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng. Nhiều luật, nghị quyết được thông qua với tỉ lệ biểu quyết tán thành cao, có luật đạt 100% số đại biểu có mặt biểu quyết. Công tác điều hành của chủ tọa linh hoạt, bảo đảm đúng nguyên tắc, thận trọng. Tuy nhiên, kỳ họp vẫn còn một số hạn chế nhất định, cần được lưu ý khắc phục, cải tiến để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp sau của Quốc hội, nhất là việc chuẩn bị và gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn.
Đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp hôm nay để hoàn chỉnh báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan.
2. Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Tổng Thư ký Quốc hội về dự kiến nội dung và thời gian tiến hành kỳ họp. Đề nghị các cơ quan hữu quan tập trung hơn cho công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp bảo đảm chất lượng tiến độ; đồng thời lưu ý một số vấn đề sau:
- Để nâng cao chất lượng công tác lập pháp, đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua một số nghị quyết quan trọng và dự án luật theo quy trình tại 2 kỳ họp.
- Tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng, nhất là dự án luật như: Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt…
- Khẩn trương rà soát các luật có liên quan cần sửa đổi, bổ sung để triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
- Giao Chính phủ rà soát các các luật liên quan cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật Quy hoạch (có hiệu lực ngày 01/01/2019) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 theo hình thức một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
- Nghiên cứu, tiếp tục đổi mới, cải tiến kỳ họp như: điều chỉnh thời gian thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, thời gian nêu chất vấn và trả lời chất vấn; cách thể hiện nội dung phiếu xin ý kiến; cách thức thảo luận tại hội trường; ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp…
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến phiên họp, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến các cơ quan hữu quan.
3. Đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi:
Để kịp thời hỗ trợ cho người dân ổn định sản xuất nông nghiệp, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi bảo đảm kinh phí hoạt động trong thời gian chuyển tiếp đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành văn bản quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện các nội dung sau:
- Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giá và Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi để ban hành Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian thực hiện của Nghị định từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/6/2018. Trước khi ban hành Nghị định, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 20 (tháng 01/2018).
- Cần khẩn trương xây dựng Nghị định để hướng dẫn thực hiện Điều 36 của Luật Thủy lợi sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 nhằm bảo đảm tính liên thông của chính sách.
4. Việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên:
Sau khi xem xét các nội dung do Chính phủ báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất như sau:
- Việc xem xét, bồi thường cho các hộ dân có nhà ở, công trình bị ảnh hưởng trong quá trình thi công các dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyêncần được Chính phủ chỉ đạo xử lý, giải quyết khẩn trương để ổn định đời sống Nhân dân, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật.
- Phần thiệt hại phải bồi thường cho người dân có nhà ở, công trình bị ảnh hưởng trong quá trình thi công các dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (sau khi doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường theo hợp đồng) là khoản tiền bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan và không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để bồi thường.
- Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng ở các địa phương chịu ảnh hưởng theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu rõ về quy định của pháp luật; đồng thời, giám sát quá trình bồi thường cho các hộ dân theo quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
5. Việc ban hành Nghị định của Chính phủ về hoạt động triển lãm:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương về sự cần thiết ban hành Nghị định để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng như công tác quản lý nhà nước về hoạt động triển lãm. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ dự thảo Nghị định và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp; đồng thời lưu ý các vấn đề sau:
- Về nội dung dự thảo Nghị định: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Nghị định, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý triển lãm ở các lĩnh vực, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
- Về hồ sơ dự thảo Nghị định: Trong Tờ trình về việc xây dựng Nghị định, cần làm rõ những nội dung mà Chính phủ muốn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bổ sung biên bản Phiên họp của Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Nghị định vào Hồ sơ.
6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát “Việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương nghiêm túc, trách nhiệm của Đoàn Giám sát; cơ bản nhất trí với những kết quả và giải pháp, kiến nghị nêu trong báo cáo. Kết quả giám sát đã khẳng định việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chuyên đề này để giám sát là rất đúng và kịp thời nhằm đánh giá, nhìn nhận lại toàn bộ hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian qua.
Đề nghị Đoàn Giám sát tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát, đồng thời chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về nội dung giám sát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.
7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 07 Nghị quyết:
- Nghị quyết số: 461/NQ-UBTVQH14 ngày 14 tháng 12 năm 2017 về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo hàng dự trữ quốc gia.
- Nghị quyết số: 460/NQ-UBTVQH14 ngày 13 tháng 12 năm 2017 về việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
- Nghị quyết số: 462/NQ-UBTVQH14 ngày 21 tháng 12 năm 2017 về việc phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước còn dư sau khi hoàn thành các dự án đóng tàu Cảnh sát biển, kiểm ngư thực hiện theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội.
- Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014-2016; kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách trung ương năm 2015 đối với dự án của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020.
- Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020.
- Nghị quyết Ban hành Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2018 của Quốc hội.
*
* *
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các kết luận, nghị quyết của phiên họp.
TỔNG THƯ KÝ
(đã ký)
Nguyễn Hạnh Phúc