Tham dự Phiên họp có các thành viên của Hội đồng, đại diện Văn phòng Quốc hội, chuyên gia các Tiểu ban kỹ thuật, đại diện chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát, Tư vấn thiết kế.
Nằm trong không gian chính trị Ba Đình, không gian Di sản văn hóa thế giới Thăng Long - Hà Nội, Tòa nhà Quốc hội- Trụ sở làm việc của Quốc hội không chỉ là biểu tượng quyền lực Nhà nước, ý chí của Nhân dân mà còn là gạch nối truyền thống của trung tâm quyền lực lâu đời trong lịch sử dân tộc. Để tạo sự kết nối truyền thống và hiện đại, để Tòa nhà Quốc hội trở thành điểm nhấn quan trọng trong không gian Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Quảng trường Ba Đình lịch sử, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định dành một phần không gian dưới 2 tầng hầm Nhà Quốc hội làm nơi tái hiện trưng bày những khám phá quan trọng của khảo cổ học tại lòng đất của Tòa nhà.
Khu trưng bày nằm ở phía Đông của Tòa nhà Quốc hội, nằm sâu so với mặt đất từ 7m đến 13m, có tổng diện tích mặt bằng khoảng 3.700m2. Tầng 1 có diện tích khoảng 1.700m2 (dài 102m x rộng trung bình 17m), trần cao khoảng 4,5m, trong đó, diện tích trưng bày khoảng 1.118m2. Tầng hầm 2: có diện tích khoảng 2.000m2 (dài 111m x rộng trung bình 17m), trần cao khoảng 5m, trong đó diện tích trưng bày khoảng 1.123m2, diện tích dành cho nhà kho bảo quản hiện vật trưng bày 415m2.
Hội đồng Nghiệm thu tiến hành khảo sát Khu trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội Ảnh: Minh Thành
Dự án mang tính chất đặc thù cao, không chỉ bởi tính chuyên ngành về khảo cổ học, về nội dung trưng bày rất phức tạp và khó, mà còn vì loại hình bảo tàng này chưa từng được thực hiện tại Việt Nam. Trong gần 5 năm thực hiện, cho đến nay, Dự án đã hoàn thành, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nội dung khoa học và ý tưởng trưng bày, đáp ứng tốt các yêu cầu của hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đáp ứng các mục tiêu của Dự án đặt ra, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà chuyên môn (kiến trúc, bảo tàng, lịch sử, khảo cổ, văn hóa...) và dư luận xã hội đánh giá rất cao.
Ngày 28/7/2017, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng Nghiệm thu cơ sở Dự án Trưng bày. Hội đồng đánh giá rất cao kết quả thực hiện và sự thành công của Dự án cũng như sự nỗ lực cùng những đóng góp rất quan trọng của Viện Nghiên cứu Kinh thành. Trên cơ sở đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có văn bản số 1470/KHXH-KHTC ngày 09/8/2017 đề nghị Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước công trình Nhà Quốc hội tổ chức nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại công văn số 6164/VPCP-KTN ngày 25/7/2016 của Văn phòng Chính phủ.
Ảnh: Minh Thành
Thảo luận tại Phiên họp, chuyên gia các Tiểu ban kỹ thuật, đại diện chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát, Tư vấn thiết kế... cơ bản thống nhất Khu trưng bày di vật di tích dưới tầng hầm Nhà Quốc hội được thi công xây dựng đáp ứng yêu cầu thiết kế, công trình được đầu tư lớn, được nghiên cứu chọn lọc kỹ lưỡng, công phu, tái hiện được từ hiện vật, di vật khai quật được dưới khu đất Tòa nhà Quốc hội những nét văn hóa, kỹ thuật xây dựng thời kỳ Tiền Lê và thời Lê tạo được bước đột phá thành công về phương diện Bảo tàng ở Việt Nam. Khu trưng bày có tính hiện đại, hấp dẫn và tạo được ấn tượng tốt với người xem. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị Dự án cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số vấn đề về hình thái kiến trúc, tái tạo hiện vật trưng bày để sớm chính thức đưa vào khai thác, sử dụng.
Phát biểu kết luận, thay mặt Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước công trình Nhà Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu khẳng định, Hội đồng đánh giá cao sự cố gắng có trách nhiệm và tâm huyết của Chủ đầu tư, các tổ chức Tư vấn thiết kế và các đơn vị tham gia hoàn thành công trình khu trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội, một công trình quan trọng và hiện đại, đáp ứng được mục tiêu đặt ra.
Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước công trình Nhà Quốc hội cũng chấp thuận kết quả nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cơ sở, thống nhất nghiệm thu thoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, Hội đồng yêu cầu Chủ đầu tư: Thứ nhất, tiếp thu các lưu ý, khuyến cáo có tính chất khoa học nêu trong kết luận của Hội đồng nghiệm thu cơ sở cũng như khuyến cáo của Hội đồng tại Phụ lục đính kèm nhằm cho dự án đạt hiệu quả mỹ mãn hơn. Thứ hai, tổ chức quan trắc, theo dõi, bảo quản hiện vật trưng bày đảm bảo tính nguyên vẹn, không hưu hỏng do tác động môi trường cũng như tác động bên ngoài khác. Thứ ba, tổ chức tham quan bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn vì khu trưng bày gắn với công trình Nhà Quốc hội. Thứ tư, thường xuyên bảo trì các thiết bị, đặc biệt là các thiết bị thuộc hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy. Phối hợp với Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có giải pháp phòng ngừa đảm bảo không xảy ra sự cố trong quá trình khai thác vận hành.
+ Chiều cùng ngày, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình Nhà Quốc hội cũng đã tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình nhà để xe dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.