Việc giải quyết bồi thường nhà ở, công trình bị ảnh hưởng do thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 không thuộc phạm vi ngân sách nhà nước

14/12/2017

Sáng 14/12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 19, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình           Ảnh: Đình Nam

Trình bày tờ trình về việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc thi công xây dựng các hạng mục công trình giao thông có tính chất đặc thù, công trình trải dài theo tuyến và thường phải sử dụng các máy móc, thiết bị thi công có tải trọng lớn, tạo rung chấn, chấn động hoặc sức ép lên nền đất. Do đó, không thể tránh khỏi việc làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng hiện có ở gần khu vực thi công xây dựng công trình, nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án; đặc biệt đối với nhà ở, công trình của người dân hai bên tuyến đường tại khu vực đô thị hoặc khu vực đông dân cư.

Tờ trình nêu rõ, nguyên nhân gây ra thiệt hại cho nhà ở, công trình xây dựng của các hộ dân nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng là khách quan, bất khả kháng, nằm ngoài khả năng tính toán, dự báo của nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan do đặc thù của các dự án xây dựng giao thông phải sử dụng thiết bị rung chấn như đã nêu ở trên. Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công đã nghiên cứu, áp dụng các biện pháp để giảm thiểu tác động rung chấn trong quá trình thi công như: Ép cọc ván thép, đào hào, rãnh ngăn, …; tuy nhiên các giải pháp này không khả thi do nhà ở, công trình của dân rất gần phạm vi xây dựng và việc thực hiện các giải pháp trên sẽ làm tăng khối lượng các hạng mục công việc phụ trợ, tăng đáng kể chi phí xây dựng, đặc biệt làm kéo dài thời gian thi công xây dựng.

Việc bồi thường thiệt hại (bị lún, nứt, thấm, dột, sụp đổ hoặc có nguy cơ sụp đổ) đối với nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng dự án nêu trên là cần thiết để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất, công bằng cho người bị ảnh hưởng; đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo việc tổ chức thi công xây dựng công trình đáp ứng tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, cho phép Bộ Giao thông Vận tải được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chi trả bồi thường thiệt hại (ngoài phần thuộc trách nhiệm do bảo hiểm chi trả) cho nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án này.

Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, các hộ dân bị ảnh hưởng do việc thi công phần lớn là các hộ nghèo, cận nghèo nên việc khẩn trương xem xét, tháo gỡ các vướng mắc để có phương án bồi thường, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân là cần thiết. Tuy nhiên, cần được cân nhắc, xem xét, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường và nguồn vốn để chi trả bồi thường.

Về nguồn vốn bồi thường, Chính phủ đề xuất sử dụng kinh phí giải phóng mặt bằng thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chi trả bồi thường cho nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công. Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, việc bồi thường thiệt hại cho người dân có nhà ở, công trình xây dựng bị ảnh hưởng phải thực hiện theo quy định tại Điều 605 Bộ Luật dân sự, theo đó nhà thầu thi công làm ảnh hưởng đến nhà dân phải có trách nhiệm liên đới bồi thường.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, khi thi công mà ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà dân thì phải bồi thường, song trách nhiệm đó thuộc về ai, thuộc Chính phủ, Bộ Xây dựng hay thuộc nhà thầu? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nếu không xác định được thì cần đưa vấn đề này ra tòa để xử lý, trách nhiệm thuộc về ai người đó bồi thường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, có 2 loại bồi thường là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Lỗi ở đây là do thi công thì nhà thầu phải bồi thường. Nếu Chính phủ cam kết cứ để cho nhà thầu làm, ảnh hưởng đến nhà dân thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Nếu không có thỏa thuận ấy thì nhà thầu phải chịu, không thỏa thuận được thì đưa ra tòa xử lý rõ.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, việc đền bù do thi công dự án gây thiệt hại cần được xử lý, giải quyết thấu đáo và nội dung Chính phủ trình thuộc trách nhiệm giải quyết, xử lý của Chính phủ. Đây là trách nhiệm dân sự giữa nhà đầu tư, nhà thầu và người dân nên giải quyết theo luật dân sự. Do đó việc bồi thường không thuộc phạm vi của ngân sách Nhà nước, nếu cứ dùng ngân sách sẽ dẫn tới tạo tiền lệ không hợp lý cho nhiều công trình khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cùng các Bộ ngành, địa phương giải trình, cùng sự giám sát của Hội đồng nhân dân và đoàn đại biểu Quốc hội hướng dẫn rõ cho người dân biết để xử lý, tạo sự đồng thuận cao.

Vân Ngọc