Tham dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Trần Văn Minh, Lê Hồng Tịnh; Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger; Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Maser Mallor Beatrice cùng đại diện Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam, nhóm tác giả và các cán bộ công chức Văn phòng Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, biến đổi khí hậu là một trong các thách thức lớn nhất hiện nay, đe dọa an ninh khu vực, toàn cầu và làm suy giảm những thành quả phát triển quan trọng của con người ở hiện tại cũng như trong tương lai. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992 và Nghị định thư Kyoto năm 1998. Quốc hội Việt Nam đã lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào trong các chính sách, phát luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển đất nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 853/UBTVQH13 ngày 05/12/2014 về kết quả giám sát đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chia sẻ, là một trong những nội dung hợp tác giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, cuốn sách chuyên khảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như những nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Cuốn sách dày 395 trang được trình bày công phu với nhiều ảnh tư liệu, hình vẽ, biểu đồ, số liệu, ngôn ngữ khoa học dễ hiểu, cô đọng. Với 12 chương chính và các phụ lục, bảng biểu kèm them, cuốn sách đã bao quát toàn bộ các vấn đề về biến đổi khí hậu, đi từ những khái niệm cơ bản nhất đến những nội dung phức tạp trong phân tích, đánh giá chính sách, pháp luật và các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nội dung cuốn sách sẽ phù hợp cho các độc giả, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các nhà quản lý, giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu cũng như các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu.
Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT Phan Xuân Dũng cùng Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, Đại sứ Cộng hòa LB Đức tại Việt Nam công bố cuốn sách
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger cũng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng, mưa bão, lũ lụt xảy ra với tần xuất và cường độ cao hơn càng làm cho Việt Nam dễ bị tổn thương hơn bởi biến đổi khí hậu. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực đang và sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra là làm cách nào để các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất có thể thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger cho rằng, hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề tài chính và ngân sách, mà còn là vấn đề thích ứng có hiệu quả, bền vững và thành công ở những nơi chịu tác động nghiêm trọng. Vì vậy, Việt Nam cần có luật, quy định và chính sách để xác lập những ưu tiên, định hướng cho các chủ thể như cơ quan nhà nước, các tổ chức hữu quan thực hiện điều phối và huy động mọi nỗ lực để tăng cường hiệu quả trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Thụy Sỹ và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng Luật biến đổi khí hậu. Để hỗ trợ cho nỗ lực này của Việt Nam, Chính phủ Thụy Sỹ và Chính phủ Đức đã hỗ trợ ngân sách, thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức thực hiện các chương trình hợp tác với Việt Nam, trong đó có việc biên soạn và xuất bản cuốn sách Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Bày tỏ Cộng hòa Liên bang Đức mong muốn tiếp tục đối thoại và hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực biến đổi khí hậu, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đánh giá việc công bố cuốn sách Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ là nền tảng cho sự hợp tác hiệu quả, cung cấp thông tin quan trọng cho những thảo luận chuyên môn giữa hai bên trong tương lai.
Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Maser Mallor Beatrice chia sẻ Thụy Sỹ cũng giống như Việt Nam, đang phải đổi mặt với nhiều vấn đề của biến đổi khí hậu và nhấn mạnh, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là rất phức tạp, đòi hỏi có sự tham gia hợp tác của tất cả các bên liên quan; khẳng định, tại Việt Nam, Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng các luật hỗ trợ nỗ lực ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đại sứ Thụy Sỹ bày tỏ tin tưởng cuốn sách Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ hỗ trợ Quốc hội trong quá trình xây dựng Luật biến đổi khí hậu và mong muốn thời gian tới, Thụy Sỹ cũng với Quốc hội Việt Nam và các bên liên quan có sự hợp tác tốt đẹp, hiệu quả để cùng nhau tạo nên sự khác biệt.
Các đại biểu tại lễ công bố sách "Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam"
Tại buổi lễ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cùng với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh; Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger; Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Maser Mallor Beatrice chính thức công bố cuốn sách Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trao tặng sách cho Thư viện Quốc hội.