Việt Nam tích cực đóng góp cho hoạt động của IPU

02/04/2010

Kỳ họp lần thứ 122 Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) chính thức bế mạc chiều 1/4 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), sau 6 ngày họp. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu.

 Tại kỳ họp IPU lần này, các đại biểu thảo luận về vai trò của quốc hội trong hòa giải chính trị và quản trị tốt; trao đổi về hợp tác quốc tế trong chia sẻ trách nhiệm đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, nhất là vấn nạn buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí và khủng bố xuyên quốc gia; vai trò của các cơ quan lập pháp trong việc phát triển hợp tác Nam-Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và sự tham gia của thanh niên trong tiến trình dân chủ.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu nhấn mạnh hội nghị IPU là dịp để các nước thành viên cùng đánh giá lại những kết quả và thách thức trong nỗ lực giải quyết nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tranh, xung đột và chia rẽ dân tộc. Chủ đề lần này đề cập tới vấn đề quản trị tốt như là một nhiệm vụ hàng đầu và cần thiết của các quốc gia, nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, công bằng và minh bạch. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy vai trò của nghị viện trong hòa giải chính trị. Quốc hội Việt Nam chia sẻ quan điểm chung với các nước rằng cần phải phối hợp hành động nhằm loại trừ những nguyên nhân sâu xa gây ra các cuộc xung đột; đó chính là áp bức, đói nghèo, bất công, kỳ thị về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo.

Giới thiệu về nền hành chính công tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ trong vòng 10 năm trở lại đây, nhờ có định hướng và đường lối đúng đắn trong quản lý của Chính phủ, nền hành chính công tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, chỉ số quản trị quốc gia của Việt Nam từ năm 1998 đến 2009 đạt mức quản trị quốc gia tốt… Việc tăng cường năng lực của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong thực thi các chức năng cơ bản của mình là một lĩnh vực chủ chốt trong tổng thể công cuộc cải cách quản trị quốc gia tại Việt Nam.

Việc Việt Nam cử phái đoàn tham dự hội nghị IPU lần này tiếp tục khẳng định sự chủ động tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương; phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam tại diễn đàn; góp phần thức đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa quốc hội và nhân dân hai nước Việt Nam-Thái Lan. Đây cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp xúc và trao đổi với nghị sỹ các nước về những vấn đề thiết thực của khu vực và thế giới.

Kỳ họp Đại hội đồng IPU năm nay có sự tham gia của gần 1.300 đại biểu đến từ 131/155 nước thành viên và các tổ chức quốc tế. (TTXVN)

Nhân dịp kết thúc Phiên họp lần thứ 122 IPU, phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thái Lan. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

PV: Xin phó Chủ tịch cho biết những hoạt động chính của đoàn Quốc hội Việt Nam tại IPU lần này ?

Trả lời: Từ ngày 25-26/3/2010, với vai trò là thành viên Ban chấp hành đại diện cho khu vực châu Á – TBD trong IPU, đoàn Việt Nam đã tham gia cuộc họp Ban chấp hành để xem xét và trao đổi nhiều vấn đề quan trọng của Liên minh, trong đó có vấn đề thành viên của IPU; công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh những người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước lần thứ 3 tại Geneva, Thụy Sĩ (tháng 7/2010); những hoạt động của IPU trong hợp tác với Liên hợp quốc và củng cố vai trò của nghị viện trong nâng cao dân chủ; đổi mới tổ chức và hoạt động của IPU và Ban thư ký IPU; và báo cáo về các hội nghị chuyên môn gần đây mà IPU tổ chức hoặc phối hợp với nghị viện các nước thành viên.

Ban chấp hành cũng nghe báo cáo hoạt động của Chủ tịch và Tổng thư ký IPU từ Đại hội đồng lần thứ 121 và các vấn đề liên quan đến ngân sách, tài chính  của IPU.

Tại phiên họp toàn thể ngày 29/3, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có bài tham luận về chủ đề “Nghị viện với vai trò trung tâm trong hòa giải chính trị và quản trị tốt ”. Ta chia sẻ quan điểm chung của các nước cho rằng cần phải phối hợp hành động nhằm loại trừ các nguyên nhân sâu xa của các cuộc xung đột là áp bức, đói nghèo, bất công, kỳ thị về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo và kêu gọi các bên liên quan khắc phục những bất đồng bằng đối thoại và thương lượng hòa bình để đạt được hòa giải dân tộc vì lợi ích của tất cả các bên. Ta cũng thông báo về những tiến bộ quan trọng, cũng như những khó khăn, thách thức của nền hành chính công Việt Nam trong vòng 10 năm qua, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Quốc hội  Việt Nam và những đổi mới gần đây nhằm thực hiện tốt các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong khuôn khổ hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự các cuộc họp của nhóm ASEAN + 3 và Nhóm châu Á – Thái Bình Dưong để trao đổi về những vấn đề thời sự của khu vực và những nội dung chính liên quan trong chương trình của Đại hội đồng IPU lần này. Theo lời mời của IPU, đoàn Việt Nam cũng tham dự và báo cáo kinh nghiệm của Việt Nam tại Hội nghị chuyên đề về viện trợ phát triển”.

PV: Trên cương vị là Ủy viên Ban chấp hành IPU, Việt Nam có những đóng góp gì cho phiên họp của IPU thưa phó Chủ tịch?

Trả lời: Tại Đại hội đồng IPU lần thứ 117 tại Geneva, Thụy Sĩ, Việt Nam đã được các nước tín nhiệm bầu là một trong ba đại diện của khu vực châu Á- TBD trong Ban chấp hành IPU. Từ đó đến nay, trên cương vị này Việt Nam luôn tích cực tham gia và có nhiều hoạt đóng góp cho IPU, được các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới đánh giá cao. Với những kinh nghiệm đã được tích lũy hơn 30 năm tham gia IPU (từ năm 1979), những sáng kiến của đoàn Việt Nam trong các cuộc họp của Ban chấp hành và tại khu vực ASEAN và châu Á – TBD đã nhận được sự ủng hộ và nhất trí cao của các nước, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn Liên nghị viện Quốc tế.

Trên cương vị là Ủy viên Ban chấp hành, trong các kỳ họp gần đây và tại kỳ họp lần này, Việt Nam đã tích cực trao đổi và tham gia quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Liên minh, trong đó có vấn đề thành viên của IPU; những hoạt động của IPU trong hợp tác với Liên hiệp quốc; đổi mới tổ chức và hoạt động của Ban thư ký IPU, nhất là đóng góp ý kiến cho việc xây dựng IPU trở thành một tổ chức liên nghị viện toàn cầu ngày càng có uy tín, trở thành đối tác quan trọng của Liên hiệp quốc.Trong các phiên  họp của các Ủy ban, các thành viên đoàn đại biểu của Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp ý kiền trong việc xây dựng các nghị quyết của Đại hội đồng IPU lần này và đề xuất về việc tiếp tục đổi mới tổ chức của IPU. Việt Nam mong muốn IPU có thêm thành viên mới, nhất là thành viên trong khu vực châu Á – TBD, nhất là nghị viện của các quốc đảo ở khu vực này. Việt Nam cũng mong muốn IPU là một tổ chức hoạt động bình đẳng giữa các thành viên không chịu sự áp đặt, chi phối của bất cứ nghị viện của bất cứ quốc gia nào.

PV: Xin phó Chủ tịch cho biết nội dung các cuộc gặp gỡ song phương và hoạt động bên lề của đoàn Quốc hội Việt Nam?

Trả lời: Tại hội nghị lần này, Đoàn ta đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các đoàn Thái Lan, Lào, Nga, Campuchia, Australia, New Zealand, gặp gỡ chủ tịch IPU và Tổng thư ký IPU.

Bạn bè quốc tế đều đánh giá cao những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, trong đó có những thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế. Vai trò và sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong Ban chấp hành IPU cũng được đề cao. Australia và New Zealand bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục là cầu nối giúp hai nước này ngày càng trở thành đối tác quan trọng của ASEAN và tăng cường vai trò trong khu vực châu Á – TBD.

Trưởng đoàn ta đánh giá cao vai trò của IPU và các nghị viện thành viên, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Chủ tịch IPU bày tỏ khâm phục và dành những tình cảm tốt đẹp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, đồng thời mong muốn Việt Nam với trách nhiệm trong Ban chấp hành IPU sẽ đóng góp hết sức minh để góp phần xây dựng IPU ngày càng lớn mạnh và hoạt động có hiệu quả hơn.

Đoàn Việt Nam chia buồn sâu sắc với đoàn đại biểu Liên bang Nga về thảm họa, tội ác vô nhân tính  của những kẻ khủng bố đối với dân thường tại thủ đô Mosscow . Bạn rất cảm ơn đoàn Việt Nam.

Với đoàn Belarus, bạn mong muốn tới đây đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại để tương xứng với tiềm năng của quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước.

Còn với Australia, bạn mong muốn tiếp tục nhận giúp đỡ Việt Nam trong việc đào tạo  nguồn nhân lực cho Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực tiếng Anh.

Đây chính là cơ hội rất tốt cho tăng cường tình hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và các nước, nhất là nghị viện của các nước với Quốc hội Việt Nam.

Xin cảm ơn phó Chủ tịch./.

 

 

Thanh Huyền (từ Bangkok)

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác