Các đại biểu đã nghe các báo cáo: Khảo sát về nhận thức của đại biểu dân cử đối với quyền trẻ em; Cách tiếp cận mới về nghèo trẻ em; Khả năng vận dụng khái niệm đa chiều trong xây dựng chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em hướng tới giảm nghèo bền vững... Cách tiếp cận đa chiều về vấn đề nghèo trẻ em được xem như một phương pháp mới, khái niệm mới đặt ra đối với các đại biểu dân cử. Cụ thể, mức độ đo lường trẻ em nghèo sẽ được tính qua 8 lĩnh vực như: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước và vệ sinh... Những lĩnh vực này được đặt như tiêu chí độc lập với cách tính trẻ em nghèo truyền thống ở Việt Nam là theo hộ gia đình nghèo. Đây là các nghiên cứu về trẻ em đã được quốc tế áp dụng hiệu quả, nhằm tạo thêm thông tin và phục vụ hoạt động giám sát của đại biểu dân cử. Tại Hội nghị, một số đại biểu đã khuyến nghị: nên sử dụng các tiếp cận này trong thiết kế các chính sách giảm nghèo, đưa các mục tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và địa phương...