Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo

07/11/2017

Chiều ngày 07/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Trước đó Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017, Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, thể hiện trên các tiêu chí số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 8,9%, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 14,8%, tuy nhiên số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017              Ảnh: Đình Nam

Về khiếu nại, so với năm 2016 giảm 8,67% số đơn và giảm 16,3% số vụ việc. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 60,4% trong tổng số đơn khiếu nại. Về tố cáo, so với năm 2016 giảm 9,74% số đơn và giảm 14,4% số vụ việc. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 62,3% tổng số đơn tố cáo.

Tuy tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai.

Về công tác tiếp công dân, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp 352.102 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 8,5% so với năm 2016), với 220.015 vụ việc, có 4.621 đoàn đông người (tăng 10,2%).

Về công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính tiếp nhận 263.722 đơn thư các loại, trong đó có 57.983 đơn khiếu nại, 15.555 đơn tố cáo. Có 154.095 đơn đủ điều kiện xử lý với 24.540 vụ việc khiếu nại, 6.602 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp 29.626 lượt công dân, giảm 5,9% so với năm 2016; tiếp nhận 82.545 đơn thư các loại, giảm 6,2% so với năm 2016. Các tòa án đã tiếp 70.793 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 23.139 đơn thư các loại.

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 26.120 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,9%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 54,2 tỷ đồng, 32,7 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.634 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 416 người (đã xử lý 297 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 06 đối tượng.

Về giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các cơ quan hành chính nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc xem xét, giải quyết 528 vụ; đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết 533 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.645 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.779 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 544 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 455 tổ chức, 568 cá nhân; xử lý hành chính 14 tổ chức, 17 cá nhân.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu nhận định, trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước và không thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chính phủ xác định nhiệm vụ chủ yếu của các cấp, các ngành trong năm 2018 là: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các bộ, ngành phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Thanh tra Chính phủ chủ trì tổng kết việc thi hành Luật tiếp công dân; kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tập trung hoàn thành giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng

Chính phủ cũng đề ra mục tiêu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, dứt điểm vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 85%; củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tạo điều kiện và thực hiện đầy đủ cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác này

Bất cập trong công tác quản lý nhà nước là nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá bao quát, toàn diện tình hình, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo trong năm 2017; trong đó, nêu rõ kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các chuyển biến tích cực và các tồn tại, hạn chế; đồng thời, đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017

Ủy ban Pháp luật nhất trí với các số liệu và đánh giá của Chính phủ trong Báo cáo cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 giảm nhiều trên hầu hết các tiêu chí như về số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của cơ quan hành chính (giảm 8,5%), số đơn khiếu nại, tố cáo (giảm 8,9%), số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (giảm 14,8%); tỷ lệ vụ việc được giải quyết và thực hiện kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng tăng so với năm 2016.

Mặc dù vậy nhưng diễn biến khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp, gay gắt và khó lường; số đơn khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, nhà ở; số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, bức xúc cũng chủ yếu liên quan đến quản lý đất đai; tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp vẫn còn nhiều; một số vụ khiếu nại tập trung đông người gây mất trật tự công cộng.

Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí với Báo cáo của Chính phủ xác định nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là do còn thiếu tính nhất quán trong chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn hạn chế...

Đồng thời nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn là những bất cập của công tác quản lý nhà nước; một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính ổn định; chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng, đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...; lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cơ sở; việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Cơ bản tán thành với các nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, nhất là việc bổ sung các chỉ tiêu cụ thể đối với một số nhiệm vụ, thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ trong công tác này, Ủy ban Pháp luật cho rằng một số nhiệm vụ, giải pháp trong Báo cáo còn khá chung chung, trong đó có những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ nhiều năm trước nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả và tính khả thi. Để nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về việc thực hiện các giải pháp, kiến nghị đã nêu trong báo cáo hàng năm trình Quốc hội. Trên cơ sở các giải pháp mà Chính phủ đã đề xuất, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt, cần tập trung thực hiện trong từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ, ngành, địa phương mình, tránh dàn trải.

Bảo Yến