Tình trạng phá rừng là minh chứng cho tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"
Theo đại biểu Quốc hội Dương Xuân Hòa- tỉnh Lạng Sơn, tại Kỳ họp thứ 4 lần này trong phần hạn chế, yếu kém, Chính phủ tiếp tục khẳng định tình trạng chặt phá rừng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Mặc dù trước đó, tại Báo cáo số 468 ngày 19/10/2016 của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 đã nêu: "xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng trái phép, trong 9 tháng đầu năm 2016 diện tích rừng bị thiệt hại là 4.359 ha, gấp 2,5 lần cùng kỳ, trong đó diện tích rừng bị cháy là 3.256 ha, gấp 3 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 1.103 ha gấp 1,7 lần".
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Nếu như không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy
Đánh giá tình trạng phá rừng là minh chứng cho tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- tỉnh Ninh Thuận, mặc dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng, những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. Chia sẻ thông tin qua khảo sát thực tế, đại biểu cho rằng: "Nếu như không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy. Một cây to có đường kính 1m phải 70 năm đến 100 năm mới có được, nhưng với lâm tặc chỉ 16 phút là xong. Một trạm kiểm lâm mỗi một đêm có độ khoảng 80- 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm khoảng 300.000- 400.000 đồng". Ngoài ra, nhiều địa phương lập cũng dự án trồng rừng để phá rừng với lý do tận thu.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh: "Nếu cứ cảnh phá rừng tan hoang và lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết liệu cho đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng mới trở thành hiện thực".
ĐBQH Đỗ Trọng Hưng: Cần thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên
Cung cấp số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Hưng- tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong 5 năm qua (2012- 2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. Việc lợi dụng chính sách chuyển đổi rừng nghèo sang trồng các cây trồng khác, việc cấp phép triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án thủy điện, khai thác tài nguyên đá, cát, sỏi trái phép một cách thiếu kiểm soát là hồi chuông cảnh báo khẩn thiết Quốc hội, Chính phủ cần phải quan tâm bởi hệ lụy của nó là khôn lường.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội Sùng A Hồng- tỉnh Điện Biên, chất lượng rừng ở nhiều nơi đang bị suy giảm do thời gian qua đã dành nhiều ưu tiên cho việc trồng rừng sản xuất, rừng kinh tế nhưng chưa thực sự quan tâm việc khoanh nuôi bảo vệ tái sinh rừng tự nhiên một cách hiệu quả.
Quan tâm hơn nữa về nguồn lực nhằm khoanh nuôi bảo vệ tái sinh rừng tự nhiên
Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Cụ thể, đại biểu Đỗ Trọng Hưng đề nghị cần thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích.
ĐBQH Sùng A Hồng: Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia khoanh nuôi bảo vệ tái sinh rừng tự nhiên
Đại biểu Sùng A Hồng kiến nghị Chính phủ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa về nguồn lực khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia khoanh nuôi bảo vệ tái sinh rừng tự nhiên, thay vì đầu tư nhiều kinh phí để trồng rừng mà hiệu quả không cao, chất lượng rừng không tốt.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định hiện nay về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng vì hiện nay sự chênh lệch mức chi trả là quá lớn. Có những lưu vực được chi trả 600 đến 700 nghìn đồng/1 hec ta/năm nhưng có lưu vực chỉ được chi trả 6 đến 7 nghìn đồng/1 hec ta/năm như lưu vực sông Mã. Cần coi việc chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, là chính sách xóa đói giảm nghèo để cân đối, bố trí ngân sách nhà nước chi trả thêm cho những lưu vực có diện tích rừng lớn nhưng được trả dịch vụ môi trường rừng quá thấp để bảo vệ rừng ở các khu vực này.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ, tuy tình trạng chặt phá rừng còn xảy ra ở một số nơi nhưng ước cả năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 41,45%.
Trong năm 2018, chỉ tiêu đề ra đối với tỷ lệ che phủ rừng sẽ đạt 41,6%. Đồng thời Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
|