UBTVQH cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội
và ngân sách nhà nước năm 2017 và kế hoạch phát triển năm 2018 Ảnh: Đình Nam
Tham dự Phiên họp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và một số bộ, ngành khác.
Theo Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ: Năm 2017, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh; lãi suất giảm từ 0,5-1%; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán khởi sắc, vượt mốc 800 điểm trong vòng 9 năm qua; thu ngân sách đạt khá; nợ công trong giới hạn quy định.
Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm; quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD. Kết quả này là sự đóng góp của tất cả các ngành, lĩnh vực, thể hiện ở mức tăng cao, đồng thời ở cả 3 khu vực. Nổi lên là tăng trưởng cao ở khu vực công nghiệp và xây dựng (7,6%), trong đó, đóng góp chủ yếu là của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 12,9%), nhờ sự mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng đột biến của các doanh nghiệp lớn thuộc ngành điện tử, điện thoại (như nhà máy Samsung), ngành thép (như nhà máy Formosa). Khu vực dịch vụ tăng mạnh (7,6%) với sự khởi sắc của dịch vụ bán buôn, bán lẻ trong nước (tăng 8,7%), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt khách, tăng 30%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, tăng 2,9%, trong đó đóng góp chính là ngành thủy sản, tăng 5,5%...
Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng cao so với năm 2016, phản ánh kết quả tăng trưởng năm 2017 là hợp lý, như: xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4% (cao gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng GDP và cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016); thu ngân sách nhà nước ước tăng 10,1% (cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng GDP); huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,4% GDP, tăng 12,6% (cao gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016), trong đó vốn FDI thực hiện tăng mạnh, ước đạt 17 tỷ USD, tăng 7,5%, vốn đầu tư thực hiện thông qua góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 3 tỷ USD; doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, tăng 13,5% về số doanh nghiệp và tăng 36,3% về số vốn đăng ký. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế năm 2017 tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN; môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN...
Các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, việc cơ cấu lại các tổ chức tin dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các vấn đề liên quan đến các dự án BOT ngành giao thông, xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ đạt một số kết quả bước đầu; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác y tế, tạo việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin, truyền thông, công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế....cũng có những tiến bộ và chuyển biến tích cực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2017, nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn thách thức như quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm, chưa đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương; công tác tổ chức thực hiện và tiêu chí đánh giá kết quả còn nhiều bất cập; cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều vướng mắc, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước 9 tháng đầu năm còn chậm so với yêu cầu; cơ cấu lại nông nghiệp đạt được kết quả bước đầu nhưng sản xuất nhỏ còn chiếm tỷ trọng cao, tích tụ đất đai chuyển biến chậm, mô hình nông nghiệp hiệu quả cao chưa được quan tâm; chậm đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm...; chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy đã có cải thiện một bước nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 33,4%, do nền kinh tế còn trong giai đoạn thu hút đầu tư phát triển; hệ số ICOR tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao (6,27 điểm); năng suất lao động xã hội tăng 5,87%, cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nếu so với các nước trong khu vực...
Đánh giá chung, Báo cáo của Chính phủ nhận định: mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, với những giải pháp đúng đắn và phương pháp điều hành phù hợp, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện; ước thực hiện cả năm đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kế hoạch; mô hình tăng trưởng chuyển dịch đúng hướng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, chuyển hướng dựa vào vào công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Điều quan trọng là nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc; củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, thể hiện ở mức độ tăng trưởng rất cao tất cả các mặt như: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đăng ký thành lập doanh nghiệp, khách quốc tế đến Việt Nam... Đây là tiền đề tốt, tạo đà phát triển nhanh, bền vững cho những năm tiếp theo, cụ thể là tạo dựng được sự vững tâm và tự tin hơn để bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: định hướng chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 là “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người đứng đầu. Đồng thời làm tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.”
Trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua; dự kiến kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2017; đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế, những thuận lợi, khó khăn của năm 2018, Chính phủ dự kiến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp
Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, đến nay chưa có chiến lược tổng thể với lộ trình hợp lý, tính gắn kết yếu để giải quyết căn cơ những hạn chế, yếu kém. Cơ cấu lại các ngành kinh tế ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, còn lúng túng, chưa gắn với thị trường.
Đối với những tháng còn lại của năm 2017, đa số ý kiến cho rằng, một loạt các giải pháp, chính sách đã đề ra phải được xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn. Đây là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cần được quan tâm, đánh giá rõ hơn về chất lượng, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo. Ngoài các vấn đề trên, những vấn đề xã hội rất lớn cần đánh giá cụ thể tình hình và có giải pháp từ sớm như vấn đề tiền ảo, biến tướng trong kinh doanh đa cấp; xử lý các hạn chế, yếu kém trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về đóng tàu cá vỏ thép...
Đối với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Báo cáo thẩm tra nêu rõ: về mục tiêu tổng quát: đề nghị phân tích những nội dung mới so với mục tiêu tổng quát của các năm trước; cần nhấn mạnh việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung cho các mục tiêu trung hạn; tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng.
Về hệ thống chỉ tiêu, cần tính toán, rà soát lại khả năng đạt được của các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, từ đó xây dựng các chỉ tiêu phù hợp cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trong tổng thể Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và bảo đảm thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế; cần đánh giá rõ các yếu tố tăng trưởng nhất là chỉ tiêu tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33-34% GDP (năm 2017, GDP ước đạt 6,7% trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,42% GDP) trong xu hướng, tình hình thế giới và trong nước thuận lợi hơn, bảo đảm tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu gắn với chất lượng, hiệu quả của chỉ tiêu GDP. Phân tích tính khả thi của chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 7-8%) và Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 3%) đều thấp hơn so với ước thực hiện năm 2017 trong khi dự báo thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam khi tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại đã ký kết.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, bảo đảm tính xác thực của chỉ tiêu tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ che phủ rừng để phản ánh đúng thực trạng của Việt Nam. Đi kèm với 13 chỉ tiêu dự kiến trình Quốc hội xem xét, đề nghị báo cáo rõ thêm về các chỉ tiêu điều hành vĩ mô khác như tăng cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng, định hướng điều hành lãi suất, tỷ giá, chính sách thuế... nhằm đưa ra thông điệp chính sách với tính ổn định tương đối làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong công tác điều hành để đạt được những kết quả đã nêu trong Báo cáo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cần làm rõ, giải trình thêm một số nội dung đã nêu như về các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, tác động của FTA, làm rõ thêm nhận định để làm sao đảm bảo kinh tế phát triển, các vấn đề về y tế, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu, việc rà soát các trạm thu phí BOT giao thông, việc sử dụng xe công, công tác an toàn thông tin mạng....v.v.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực khi rất quyết liệt và có nhiều chính sách để giải quyết các vấn đề tồn đọng các năm trước và những chính sách xử lý những vấn đề nảy sinh của năm 2017. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, để thực hiện các kế hoạch của năm 2018 tốt thì cần phải đánh giá sát, đúng, thực tế khách quan tình hình năm 2017.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thu ngân sách nhà nước năm 2018 chưa có tín hiệu khả quan bởi chưa có chính sách thu mới. Các loại thuế bảo vệ môi trường, tăng VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt....chưa tạo sự đồng thuận trong xã hội, của doanh nghiệp. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tính toán lại vấn đề này, trước mắt cái gì có chính sách rồi thì quản lý thu cho tốt, còn chi thì cứ theo thứ tự ưu tiên, lương, trợ cấp ưu đãi người có công, quốc phòng an ninh, tiết kiệm chi thường xuyên, giáo dục, đào tạo, y tế...