Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp Phiên toàn thể lần thứ 6

02/10/2017

Chiều 2/10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 6, nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cùng các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp Phiên toàn thể lần thứ 6

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4,Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 diễn ra từ ngày 02/10 đến ngày 04/10, nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); thẩm tra dự án Luật Đo đạc bản đồ; nghe các bộ ngành báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2017, triển khai nhiệm vụ ngân sách năm 2018.

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý,dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã có những chỉnh sửa phù hợp hơn về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản; thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nguồn tài chính và Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giống thủy sản; giao, cho thuê, thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; lực lượng kiểm ngư và một số nội dung khác.

Về thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã làm rõ khái niệm đồng quản lý và tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Điều 3 của dự thảo Luật. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về điều kiện thành lập; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; quyền và nghĩa vụ của tổ chức cộng đồng trong việc tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Điều 10. Trên cơ sở xác định nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân, dự thảo Luật đã quy định cần có sự quản lý và bảo vệ chặt chẽ, bảo đảm phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững. Nhà nước xác định các quyền có thể giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực được giao. Để đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện, phù hợp với thực tiễn, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về nội dung này.

Về thành lập lực lượng kiểm ngư, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí cần thiết có Kiểm ngư. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về hình thức tổ chức của Kiểm ngư: thành lập Kiểm ngư ở trung ương và tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển; thành lập Kiểm ngư ở trung ương và một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù; chỉ thành lập Kiểm ngư ở trung ương. Hiện tại, lực lượng kiểm ngư trung ương đang được tổ chức thành các vùng, hoạt động bảo đảm việc thực thi pháp luật về thủy sản và bảo vệ chủ quyền ở vùng khơi. Hiện nay, ở nhiều địa phương tình trạng vi phạm về đánh bắt thủy sản ở vùng lộng và ven bờ đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi công tác thanh tra kém hiệu quả do lực lượng thanh tra không có công cụ hỗ trợ, phương tiện,…

Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án về Kiểm ngư như sau: Phương án thứ nhất: Thành lập Kiểm ngư ở trung ương và một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù; Phương án thứ hai: Chỉ thành lập Kiểm ngư ở trung ương.

Về dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; về phân loại rừng; chủ rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng; quy hoạch lâm nghiệp;đóng, mở cửa rừng tự nhiên; tổ chức kiểm lâm.

Về quy định các loại chủ rừng (Điều 8) liên quan đến quyền và trách nhiệm của chủ rừng được quy định tại Chương VIII của Dự thảo Luật. Trong hệ thống pháp luật hiện hành, trách nhiệm pháp lý của nhóm hộ gia đình còn chưa được quy định rõ ràng; pháp luật về dân sự, hình sự cũng không quy định điều chỉnh đối tượng này, pháp luật về đất đai cũng không quy định giao, cho thuê đất đối với nhóm hộ gia đình. Do vậy, đề nghị không bổ sung đối tượng “nhóm hộ gia đình” này là chủ rừng để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, mặc dù Luật Bảo vệ và phát triển rừng hiện hành quy định là một loại chủ rừng (khoản 6 Điều 5), Luật Đất đai quy định đối tượng này được Nhà nước giao, cho thuê đất ( khoản 3 Điều 55, điểm d khoản 1 Điều 56…). Tuy nhiên, do quỹ rừng của nước ta còn rất ít (khoảng 2,7 triệu ha), trong khi nhu cầu được giao đất, cho thuê đất của người dân địa phương là lớn nên cần ưu tiên giao cho người dân tại chỗ để phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người dân nơi có rừng. Trong trường hợp cá nhân người Việt Nam định định cư ở nước ngoài có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp thì vẫn có thể hợp tác, liên kết với các chủ rừng khác hoặc thành lập pháp nhân để đầu tư phát triển rừng. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng và Ban soạn thảo đề nghị không bổ sung quy định đối tượng này là chủ rừng trong Dự thảo Luật.

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý các dự án Luật, cho rằng các báo cáo đã có sự tiếp thu đầy đủ, chi tiết, toàn diện về các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa và rà soát lại một số quy định trong dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các luật khác trong hệ thống pháp luật hiện nay.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ cùng với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện lại các Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Tin và ảnh: Vân Ngọc