Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiền về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

18/09/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, sáng 18/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ,Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng lần này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Việc sửa đổi toàn diện các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng cần tiến hành đồng thời với việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đòi hỏi có thời gian nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều mà chưa sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng.

Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, thảo luận tại kỳ họp thứ 3, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý. Từ thực tế đó, không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém là vấn đề đang vướng mắc hiện nay. Trên cơ sở vấn đề đặt ra, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể tránh lợi dụng quy định miễn trừ này.

Về phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, tiêu chí chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng như chỉ định tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, bảo đảm khách quan, bảo đảm quyền lợi của các bên, phù hợp với tinh thần Hiến pháp. Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, rà soát toàn bộ các quy định về chuyển giao bắt buộc hiện tại của dự thảo Luật cả về điều kiện, trình tự thủ tục, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, biện pháp hỗ trợ... Về quy định “Kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt”, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc hạn chế quyền cổ đông theo định hướng của Luật là hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính hợp hiến, do về bản chất, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém, không thể phục hồi và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ nhiều nước đã áp dụng.

Về quy định đối với sở hữu chéo, đầu tư chéo, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung khái niệm sở hữu chéo, đầu tư chéo, đồng thời quy định nghiêm cấm hành vi sở hữu chéo, đầu tư chéo để đảm bảo hiệu quả hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng. Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, khái niệm sở hữu chéo, đầu tư chéo có nhiều cách hiểu khác nhau và các cách hiểu này có sự khác biệt rất lớn; theo thông lệ quốc tế, pháp luật điều chỉnh về hoạt động ngân hàng không định nghĩa về khái niệm đầu tư chéo, sở hữu chéo trong luật. Dự thảo Luật không sử dụng cụm từ “sở hữu chéo, đầu tư chéo” mà chỉ ban hành các quy định nhằm xử lý việc sở hữu chéo, đầu tư chéo không lành mạnh, lạm dụng vị thế sở hữu chéo để thực hiện hoạt động cấp tín dụng, đầu tư chéo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị xem xét kỹ Điều 147 của Dự thảo luật. Theo điều luật, cán bộ, công chức, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được pháp luật bảo vệ, miễn trách nhiệm trong trường hợp đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trung thực, đúng quy định pháp luật, đúng phương án được duyệt, vì lợi ích chung của hệ thống các tổ chức tín dụng, bao gồm cả trường hợp phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không đạt được mục tiêu đã được phê duyệt. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, theo thông lệ lập pháp nước ta từ trước đến nay, căn cứ miễn trách nhiệm không quy định ở các luật chuyên ngành. Nếu vấn đề miễn trách nhiệm lần này được quy định trong luật các tổ chức tín dụng thì sẽ làm thay đổi quan điểm lập pháp dẫn đến sự không thống nhất. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ, cân nhắc kỹ lưỡng Điều 147 để đảm bảo tính khả thi của Dự thảo luật.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ, trách nhiệm được miễn quy định trong dự thảo luật là loại trách nhiệm gì: trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự hay trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, vấn đề đặt ra ở Điều 147 có liên quan đến quy định tại Luật cán bộ, công chức. Theo đó, cán bộ, công chức có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, nhiệm vụ được giao và có quyền được pháp luật bảo vệ khi thực thi công vụ. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đặt vấn đề miễn trách nhiệm ở đây có thể sẽ xung đột đối với các quy định của pháp luật hiện hành.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Dự thảo luật nên thiết kế một điều luật dưới dạng nguyên tắc quy định trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ được phép sử dụng cơ chế đặc biệt để bảo đảm an toàn hệ thống. Ngoài ra, đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn nữa quy định về cơ chế mua bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém, giải thích rõ cụm từ “ mua 0 đồng”, bản chất của việc mua 0 đồng.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, sau khi thảo luận, thường vụ Quốc hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật và không mở rộng thêm; thống nhất không dùng ngân sách để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; không quy định trong luật này các quy định về thuế để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị quy định thêm một điều luật với tinh thần trong trường hợp đặc biệt, để đảm bảo an toàn hệ thống, Chính phủ có thể có những quy định chi tiết để tránh tình trạng đổ vỡ hệ thống. Đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật để gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội trước khi đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới đây.

Hồ Hương