Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với Bộ Giao thông vận tải
Tham dự Đoàn công tác có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân Sách Nguyễn Đức Hải, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư và một số bộ ngành có liên quan.
Xây dựng kết cấu hạ tầng và vận tải biển đạt kết quả khả quan
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc, đại diện Bộ Giao thông cho biết, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 hệ thống giao thông vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng nâng cao, giá thành hợp lý, kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; tầm nhìn đến năm 2030 cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao thông trong cả nước, chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, bảo đảm nhanh chóng, an toàn tiện lợi, với sự nỗ lực cuả toàn ngành, ngành Giao thông vận tải đã đạt được những kết quả khả quan tính đến giai đoạn năm 2015. Cụ thể: hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có nhiều công trình lớn, hiện đại được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng; có sự kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trung ương và địa phương. Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao chất lượng, hiệu qủa dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong giai đoạn vừa qua, ngành đã đưa vào khai thác và sử dụng tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; cải tạo cầu yếu, thông tin tín hiệu, gia cố sửa chữa các hầm đường sắt, thay thế tà vẹt cũ, kéo dài đường ga; đầu tư nâng cấp các đường thủy chính; hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép- Thị Vải; đưa tổng năng lực của các cảng hàng không tăng cao; nâng cấp và xây mới giao thông nông thôn gắn với đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Báo cáo của Bộ cũng cho biết công tác quản lý hoạt động vận tải ngày càng được thực hiện một cách chặt chẽ, hát huy hiệu lực, hiệu quả; chất lượng các loại hình dịch vụ ngày càng được cải thiện nhất là đường hàng không và đường sắt. Việc đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở ra cơ hội kết nối giữa các vùng miền, thúc đẩy phát triển vận tải.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, Báo cáo của Bộ cũng chỉ ra rằng ngành Giao thông vận tải vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định. Trước hết là thể chế, cơ chế, chính sách còn tồn tại nhiều vướng mắc, còn một bộ phận cán bộ chưa năng động, chưa bám việc nên có một số việc chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển. So với nhu cầu thực tế, giao thông vận tải nước ta vẫn còn yếu kém thể hiện: Cơ cấu phát triển các phương thức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng phương thức vận tải, kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu; Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn trong tình trạng yếu kém, thiếu nhiều công trình hiện đại; Các sản phẩm công nghiệp giao thông vận tải tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; Các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải, cả trong lĩnh vực vận tải, xây dựng công trình giao thông và sản xuất công nghiệp giao thông vận tải nhìn chung có quy mô nhỏ bé, năng lực hạn chế. Đặc biệt, việc tỷ lệ đảm nhiệm thị phần của các phương thức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng phương thức vận tải, kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu; xu hướng “đường bộ hóa” ngày càng rõ nét. Điều này đã gây nhiều áp lực đối với ngành đường bộ cũng như vấn đề đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường; dẫn đến tổ chức vận tải không hợp lý, chất lượng dịch vụ vận tải chưa cao, chi phí vận tải cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Vốn đầu tư dành cho giao thông vận tải còn thấp nên cơ cấu phân bổ vốn giữa các phương thức vận tải chưa hợp lý, nhu cầu vốn đầu tư trong 5 năm 2016-2020 gần 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngành chưa giải ngân hết vốn xây dựng cơ bản 2016, trong chuẩn bị đầu tư còn có nhiều vấn đề, nhất là các dự án BOT. Mặc dù đã đẩy mạnh huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước với khối lượng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho các mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đã đề ra. Vẫn còn tồn tại một số công trình chưa đáp ứng về tiến độ, chất lượng tại một số hạng mục công trình giao thông.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải báo cáo tại buổi làm việc
Đảm bảo hiệu quả việc đầu tư dự án trọng điểm đường bộ cao tốc Bắc – Nam
Theo Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, quy mô đường bộ cao tốc Bắc- Nam được xây dựng với 4-6 làn xe phù hợp với quy hoạch phát triển của toàn ngành và từng địa phương, có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2050. Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết thông tin chung của dự án như sau: Phạm vi nghiên cứu của dự án từ lạng Sơn đến Cà mau; phạm vi đầu tư từ Nam Định đến Đồng Nai; quy mô đầu tư 4 làn xe cao tốc; phương án đầu tư được chia làm 2 giai đoạn. Nguồn vốn thực hiện dự án phân bổ khoảng 15 tỷ đồng được phân đoạn trong giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025 trên cơ sở căn cứ vào dự báo nhu cầu vận tải của ngành. Bên cạnh đó, để kịp thời cập nhật tốc độ phát triển nhu cầu giao thông qua các khu đô thị lớn, Bộ Giao thông đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát lại quy mô quy hoạch và thực hiện điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết.
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Quốc hội chấp thuận phương án 15 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho dự án trên đồng thời cân đối vốn thực hiện đầu tư các dự án thành phần giai đoạn 2021-2025. Do đường bộ cao tốc Bắc- Nam là dự án quan trọng quốc gia, để đảm bảo tính đồng bộ của dự án, phù hợp với chiến lược phát triển, Bộ kiến nghị Quốc hội chấp thuận nguyên tắc “ cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025”
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định vai trò to lớn, quan trọng của ngành giao thông vận tải trong sự nghiệp phát triển kinh tế, chính trị xã hội của đất nước. Đánh giá cao những thành tựu ngành giao thông vận tải đã đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong những năm gần đây, ngành giao thông vận tải đã có những chuyển biến sâu sắc và toàn diện, hoàn thiện được những tuyến đường quan trọng, tạo nên sự kết nối, lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ, đột phá của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong giao thông vận tải đã giúp tiết kiệm được chi chí, sức lao động, giảm thiểu những tiêu cực của ngành trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Bộ giao thông vận tải cần thẳng thẳng, nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc vẫn còn tồn tại của ngành giao thông vận tải để khắc phục triệt để hơn nữa. Phó Chủ tịch đề nghị Bộ rà soát lại quy hoạch một cách tổng thể và kỹ lưỡng để đảm bảo phát huy được nền tảng của đất nước với điều kiện tự nhiên và sự phát triển của khu vực trong chiến lược giao thông viện tải tới đây; đồng thời kết hợp hài hòa giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng, trong đó ưu tiên giao thông công cộng phát triển mạnh mẽ; đổi mới phương thức quản lý nhà nước, coi việc đào tạo đội ngũ nhân lực giỏi về chuyên môn là điều kiện sống còn của ngành. Mặc dù còn nhiều thách thức và khó khăn nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hi vọng Bộ Giao thông vận tải sẽ đưa ngành giao thông của nước ta phát triển vượt bậc, xứng đáng với lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng.”