Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Đăk Lăk

05/03/2010

Ngày 4.3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, Đoàn Giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học đã làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Cao đẳng Sư phạm Đăk Lăk và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đăk Lăk. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi làm Trưởng đoàn giám sát.

Theo báo cáo của Trường Đại học Tây Nguyên, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm sự tương quan giữa quy mô, chất lượng và năng lực đào tạo của Trường đều được thực hiện nghiêm túc theo các quy định của Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan. Các chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức. Kiến nghị với Đoàn Giám sát, Trường Đại học Tây Nguyên đề xuất, Nhà nước cần xem xét, bổ sung quy định về chế độ đối với học sinh dự bị đại học của Khoa Dự bị - Tạo nguồn Đại học Tây Nguyên như đối với học sinh dự bị đại học của các trường Dự bị đại học khác để tăng nguồn tuyển sinh là người dân tộc thiểu số. Chính phủ và các Bộ, ngành cần quan tâm phê duyệt, đầu tư kinh phí để triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển Đại học Tây Nguyên đến năm 2020 và những năm tiếp theo trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia.

Đoàn Giám sát ghi nhận, từ khi thành lập đến nay, Đại học Tây Nguyên đã có nhiều bước tiến lớn. Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm, ưu tiên đầu tư cho Đại học Tây Nguyên hơn so với các trường đại học trên cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ xây dựng cơ sở vật chất của Trường còn chậm; đầu tư cho thiết bị thí nghiệm, thực hành hạn chế. Số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cũng như số giáo trình do nhà trường tự biên soạn còn ít; nội dung các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học chưa phong phú do chưa khai thác tối đa những lợi thế, đặc sắc về văn hóa, xã hội của miền đất Tây Nguyên… Đoàn Giám sát đề nghị, Đại học Tây Nguyên cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã định hướng rõ từ ngày đầu thành lập là đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ, giảng viên, sinh viên các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên so với cán bộ, sinh viên các tỉnh, thành khác; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với đặc điểm KT - XH của địa phương, phục vụ cho mục tiêu phát triển KT – XH. Các ngành học, chương trình đào tạo cần được lựa chọn hướng tới mục tiêu bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. 

 

 

HẢI VÂN

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác