Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên tới dự.
Kiểm toán độc lập là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, ra đời và phát triển trong nền kinh tế thị trường. Trên thế giới, hoạt động kiểm toán độc lập đã có lịch sử 150 năm. Kiểm toán độc lập ở nước ta ra đời từ năm 1991, sau khi nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường được 5 năm (1986). Sau gần 20 năm phát triển, hiện nay, kiểm toán độc lập có gần 170 công ty kiểm toán, thu hút 7.000 nhân lực, trong đó 1.700 người là kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề. Năm 2008, các Công ty này đã thực hiện kiểm toán cho 22 nghìn doanh nghiệp với doanh thu 1.800 tỷ đồng, nộp ngân sách 300 tỷ đồng. Kiểm toán độc lập đã và đang góp phần tạo lập nên môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế và hỗ trợ cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu – đại diện cho các công ty kiểm toán trong nước và quốc tế, các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kiểm toán – đều hoan nghênh và ủng hộ chủ trương ban hành Luật Kiểm toán độc lập; cho rằng, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập, đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển KT – XH đất nước. Với bố cục 8 chương và 85 điều, dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ về những nội dung cơ bản của lĩnh vực kiểm toán độc lập như giá trị của báo cáo kiểm toán; tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; điều kiện của kiểm toán viên hành nghề; quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán... Về tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, nhiều đại biểu cho rằng, cần có những quy định về Hội nghề nghiệp về kiểm toán trong dự thảo Luật. Đây sẽ là tổ chức có vai trò hỗ trợ cơ quan nhà nước quản lý hành nghề kiểm toán độc lập.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đối với hoạt động kiểm toán độc lập, dù do cá nhân hay tổ chức tiến hành thì đều phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật Doanh nghiệp, vì đây là hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính gắn với pháp nhân. Đặc trưng này cần được quán triệt và xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo Luật. Phó chủ tịch QH lưu ý, Ban soạn thảo cần có sự tính toán về giá trị của Báo cáo kết quả kiểm toán độc lập theo hướng bảo đảm được tính pháp lý cũng như giá trị thực tiễn của Báo cáo; có sự kết hợp giữa giá trị của các kết luận kiểm toán nêu trong Báo cáo với quyền và trách nhiệm của người sử dụng thông tin báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán, tạo sự ràng buộc về mặt pháp lý.
Phó chủ tịch QH mong muốn, các nội dung của dự thảo Luật sẽ được quy định theo hướng phù hợp với trình độ quản lý của Nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như các cam kết của nước ta với quốc tế. Có như vậy, Báo cáo kiểm toán độc lập nói riêng và hoạt động kiểm toán độc lập nói chung mới có sức sống và phát huy được hiệu quả, góp phần vào việc công khai minh bạch thông tin kinh tế, tài chính cũng như sự phát triển của đất nước.