Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc- Hòa Bình

19/07/2017

Sáng 19/7, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn đầu đã làm việc với Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc- Hòa Bình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh– chuyển giao (BOT).

Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc- Hòa Bình

Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc– Hòa Bình Nguyễn Quang Bát cho biết, tổng đầu tư cho Dự án xây dựng đường Hòa Lạc– Hòa Bình (25,69km) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình (30,6km) là hơn 2.942 tỷ đồng. Toàn bộ hợp phần Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai– Hòa Bình có mức đầu tư 567,43 tỷ đồng, đưa vào sử dụng và thu phí từ ngày 20.10.2015. Ban đầu, trạm thu phí dự kiến đặt tại Km 38 – Km 42. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp dự án chọn vị trí tại Km 38 + 390 và được UBND tỉnh Hòa Bình thống nhất. Tuy nhiên, do vị trí này nằm trong khu đông dân cư, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, người dân không đồng tình, chi phí đền bù lớn. Vì vậy, doanh nghiệp dự án đã chuyển trạm đến Km 42 + 730. Đây là điểm cuối thị trấn Lương Sơn, không có dân cư sinh sống, thuận lợi GPMB và thu phí về sau. Năm ngoái, người dân và lái xe đã nhiều lần tụ tập, phản đối trạm thu phí này.

Đến hết ngày 30.6.2017, tổng doanh thu tại trạm thu phí Quốc lộ 6 là 145,53 tỷ đồng và chỉ đạt 61,5% so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Nguyên nhân, theo ông Bát, do lưu lượng xe qua trạm thấp hơn dự tính. Đặc biệt, trong cả năm 2016, doanh nghiệp không được tăng giá vé, đồng thời phải giảm giá vé cho một số nhóm phương tiện theo chỉ đạo của Chính phủ và giảm giá vé cho các chủ phương tiện sống quanh trạm thu phí. “Từ năm 2018, mỗi năm tiền lãi trả cho ngân hàng là 281,7 tỷ đồng, tương ứng với doanh thu trung bình một tháng phải đạt tối thiếu 23,48 tỷ đồng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu một tháng mới chỉ đạt 8,2 tỷ đồng”, “Thực trạng này không chỉ kéo dài thời gian thu phí mà còn ảnh hưởng tới việc vay vốn thực hiện dự án và trả nợ cho ngân hàng”- Giám đốc Nguyễn Quang Bát cho biết.

Đoàn giám sát tại Phòng Giám sát và Hậu kiểm của Trạm thu phí Quốc lộ 6

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Minh Sơn, thành viên Đoàn giám sát cho rằng những khó khăn, vướng mắc của Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc– Hòa Bình có nguyên nhân từ cơ chế chính sách, song cũng có những nguyên nhân chủ quan, ví dụ như việc tính toán mức tăng trưởng lưu lượng xe chưa chính xác dẫn đến doanh thu thu phí đạt thấp.

Đại diện doanh nghiệp dự án giải thích: cách thức tính toán lưu lượng xe của chúng ta hiện rất lệch so với thế giới. Chúng ta cử người đếm lưu lượng xe trong 4 ngày rồi nhân lên, như vậy không phân biệt được vé tháng, vé lượt dẫn đến kết quả không chính xác làm nản lòng nhà đầu tư và ngân hàng. “Khó khăn này rất khó vượt qua, làm sao hoàn vốn, nói gì đến lãi”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng bày tỏ tán thành với đề xuất phải xây dựng Luật về hình thức đầu tư BOT của đại diện Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc– Hòa Bình.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị địa phương phải vào cuộc quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Hợp phần tuyến đường Hòa Lạc– Hòa Bình, có tổng đầu tư hơn 2.374 tỷ đồng, gặp nhiều khó khăn trong GPMB, kéo dài so với dự kiến ban đầu và các nguyên nhân khách quan khác nên đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành đến ngày 31.12.2017. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số đoạn qua địa phận Hòa Bình và Hà Nội chưa được bàn giao. 

Trưởng Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh ghi nhận các ý kiến ủng hộ ban hành Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công– tư  (PP), trong đó có BOT để tăng cường công khai, minh bạch và tháo gỡ những  vướng mắc đang tồn tại. Trưởng Đoàn giám sát cho rằng: “Đầu tư công trung hạn còn nhiều khó khăn, nếu không huy động các nguồn lực xã hội sẽ không giải quyết được bài toán hạ tầng. Muốn thu hút được các nguồn lực, phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Những khó khăn, vướng mắc sẽ được báo cáo QH để tìm hướng giải quyết”. Đồng thời, chính sách và các dự án BOT phải bảo đảm công bằng, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Tin và ảnh: Hồng Loan

(Báo ĐBND)