Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu kết luận nội dung thảo luận Ảnh: Đình Nam
Tham dự Phiên họp có các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải Quan…
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày “Báo cáo tóm tắt về việc xem xét và cho ý kiến đối với việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh”. Nội dung chính của Nghị định thư 7 gồm 12 Điều và 02 Phụ lục về hàng hóa cấm/ hạn chế quá cảnh và Phụ lục kỹ thuật. Đây là các cam kết, quy định cải cách về mặt phương thức và hình thức quản lý đối với các giao dịch quá cảnh, trong đó tập trung vào các yếu tố như: cơ chế bảo lãnh cho nợ thuế phát sinh trong các giao dịch quá cảnh, hệ thống thông tin quốc gia được điện tử hóa để kết nối và trao đổi dữ liệu vận chuyển quá cảnh giữa các nước thành viên, áp dụng quản lý rủi ro để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật được đơn giản hóa về quy trình thủ tục.
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày “Báo cáo thẩm tra việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh”. Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Hiệp định Nghị định thư 7 là một trong 9 Nghị định thư nằm trong Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước ASEAN ký ngày 16/12/1998 tại Hà Nội với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ việc thực hiện khu vực Mậu dịch tự do ASEAN và tăng cường liên kết kinh tế khu vực.
Nghị định thư 7 đã được tất cả 10 nước ASEAN ký và đến nay có 5 nước ASEAN đã hoàn thành thủ tục phê duyệt. Việc phê duyệt Nghị định thư 7 đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc góp phần tích cực xây dựng và phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê duyệt Nghị định thư 7; tính hợp hiến và mức độ phù hợp giữa Nghị định thư 7 với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Nghị định thư 7; yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: về cơ bản, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Nghị định thư 7 và đồng ý giao Chính phủ tiến hành thủ tục phê duyệt theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Chính phủ chủ động xác định thời điểm phê duyệt Nghị định thư 7 cho phù hợp với tiến độ phê duyệt của các nước ASEAN khác và đảm bảo lợi ích quốc gia.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí không áp dụng trực tiếp toàn bộ Nghị định thư 7 mà thực hiện thông qua nội luật hóa vào quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với kiến nghị ban hành Nghị định của Chính phủ để thực hiện Nghị định thư 7, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo quy định tại Điều 95 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
+ Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về chế độ đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Viện Nghiên cứu lập pháp.
Để bảo đảm phát triển Viện Nghiên cứu lập pháp theo tinh thần Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết quy định một số chế độ đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Viện Nghiên cứu lập pháp, thời hạn áp dụng đến hết năm 2018.
+ Theo dự kiến Chương trình Phiên họp, sáng mai - 11/7/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh đối tượng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 – 2015 của Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, sau đó tiến hành họp phiên bế mạc.