Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã gửi bài tham luận tới Hội thảo.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại những nội dung chủ yếu trong các bản Cương lĩnh chính trị của Đảng từ năm 1930 đến nay và nhận định: “Mỗi bản Cương lĩnh tuy có yêu cầu cụ thể, phản ánh tình hình và phục vụ nhiệm vụ của cách mạng ở mỗi giai đoạn khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, các bản Cương lĩnh đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm cơ bản, tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta về mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, phương hướng và phương pháp của cách mạng Việt Nam”.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Mỗi bản Cương lĩnh chính trị của Đảng, ở những mức độ khác nhau, đều được xây dựng trên cơ sở quán triệt, vận dụng sáng tạo và bổ sung, phát triển các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tinh hoa văn hóa dân tộc, phản ánh đúng thực tiễn Việt Nam và có tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Chính vì vậy, nó vừa có tính lý luận khoa học vừa có tính thực tiễn sâu sắc, kết hợp tính giai cấp và tính dân tộc, đáp ứng đúng yêu cầu bức thiết của cách mạng ở mỗi giai đoạn và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân. Mỗi cương lĩnh của Đảng đều có ý nghĩa lịch sử trọng đại và giá trị chỉ đạo thực tiễn to lớn, định hướng cho sự phát triển của đất nước và chỉ đường cho mọi hoạt động của Đảng ta, nhân dân ta...
Trên 90 tham luận của các đại biểu được trình bày và gửi tới Hội thảo đã khẳng định công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sỹ cộng sản tiền bối, làm rõ hơn những giá trị mang tính bước ngoặt lịch sử của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; nêu bật những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ những thành công, kinh nghiệm và bài học của 80 năm qua, các đại biểu đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay đối với sự phát triển của đất nước, góp phần vào việc bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng sắp tới. Các tham luận đã cũng đã làm rõ tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.