Ủy ban Tư pháp cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân

30/03/2017

Sáng 30/3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ tư, Ủy ban Tư pháp cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Ủy ban Tư pháp cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân

Trình bày Tờ trình về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Thuân cho biết, hệ thống Tòa án nhân dân nước ta được ra đời gắn với sự hình thành của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo quy định của các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992 thì ở nước ta Tòa án là cơ quan duy nhất được giao nhiệm vụ xét xử các loại vụ án theo quy định của pháp luật. Qua những giai đoạn phát triển của đất nước, hệ thống Tòa án nhân dân từng bước được củng cố kiện toàn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Đây là văn bản pháp lý quan trọng về hoàn thiện bộ máy nhà nước trong giai đoạn mới, đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và các quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ cán bộ, công chức của các Tòa án nhân dân hiện nay có nhiều tồn tại, bất cập như thiếu về số lượng, nhất là các Tòa án nhân dân cấp cao và Thẩm phán của các Tòa án nhân dân cấp huyện. Bên cạnh đó, cơ cấu ngạch chưa phù hợp, công tác sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ hạn chế: tính chuyên nghiệp chưa cao, chất lượng của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân, tạo cơ sở pháp lý khoa học để xác định số lượng biên chế, cơ cấu các ngạch công chức, đáp ứng cầu tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp trong tình hình mới.

Vị trí việc làm của Tòa án nhân dân gồm 2 Đề án: Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dânĐề án vị trí việc làm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Về xác định vị trí việc làm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, xác định tại Tòa án nhân dân tối cao có 92 vị trí việc làm của công chức và 4 vị trí việc làm theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp tương ứng.

Về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân, hệ thống Tòa án nhân dân có khung danh mục 194 vị trí việc làm của công chức, số lượng biên chế cần thiết bố trí theo vị trí việc làm là 19.415 người, trong đó: các ngạch Thẩm phán có 6.970 người; chức danh tư pháp khác (Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án) có 10.364 người; chức danh khác (các ngạch công chức hành chính) có 2.081 người. Như vậy, so với số lượng biên chế được phân bổ năm 2012 tại Nghị quyết số 473a/2012/NQ-UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội là 15.237 người thì số lượng biên chế cần thiết bố trí theo vị trí việc làm tăng 4.178 người.

Ngoài biên chế, công chức, hệ thống Tòa án nhân dân có 4 vị trí việc làm theo Nghị định 68 tương ứng với 2.754 người.

Về Đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Tòa án nhân dân tối cao, theo Đề án, tại Tòa án nhân dân có tổng số 84 vị trí việc làm, số lượng người cần thiết bố trí theo vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp của Tòa án nhân dân tối cao là 219 người, cụ thể là: Học viện Tòa án có 61 vị trí việc làm, số lượng người cần bố trí theo vị trí việc làm là 135 người; Tạp chí Tòa án nhân dân có 22 vị trí việc làm, số lượng người cần bố trí việc làm theo vị trí việc làm là 34 người; Báo Công lý có 27 vị trí việc làm, số lượng người cần bố trí việc làm theo vị trí việc làm là 50 người.

Trình bày báo cáo nghiên cứu về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân, đại diện nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, Đề án vị trí việc làm đã được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bám sát các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu của pháp luật về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, trong điều kiện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức thì việc xây dựng và ban hành Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt là rất cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nhóm nghiên cứu tán thành với việc xác định vị trí việc làm đối với công chức, viên chức và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, viên chức theo Đề án. Về cơ bản, các vị trí việc làm đã bảo đảm tính khoa học, tính khách quan, bảo đảm sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy, điều kiện hoạt động của Tòa án nhân dân, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trong Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm cần phải bảo đảm phù hợp với hoạt động thực tiễn, sát với thực tế yêu cầu công việc, nhất là về việc xác định danh mục vị trí việc làm, việc xác định khung năng lực của từng vị trí việc làm …, để từ đó xác định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm; trên cơ sở đó vừa bảo đảm cho Tòa án nhân dân hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời vừa đáp ứng được yêu cầu về tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Cho ý kiến tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, mục tiêu của việc xây dựng Đề án vị trí việc làm là nhằm xác định đúng số lượng vị trí việc làm và số lượng người cần thiết cho mỗi vị trí nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời bảo đảm được các yêu cầu về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Sau khi dự kiến vị trí việc làm, Đề án đề xuất tăng số người làm việc thêm 36% so với số lượng biên chế hiện nay của Tòa án đã được phân bổ theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đối với đề xuất này, Tòa án nhân dân tối cao cần phải hết sức cân nhắc vì đây là con số quá lớn trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành với chủ trương xây dựng Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân; đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần tính đủ, tính đúng, đảm bảo không trùng lắp, cũng không được bỏ sót các vị trí việc làm; đồng thời cần đảm bảo chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp này, hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Vân Ngọc

Các bài viết khác