Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về công tác cứu nạn, cứu hộ

21/03/2017

Chiều 21/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành cho biết, qua 04 năm triển khai thực hiện Quyết định số 44/2012/QĐ- TTg, lực lượng phòng cháy và chữa cháy mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ đối với nhiều sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hàng ngày, được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tuy nhiên, văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy mới là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên hiệu lực pháp lý thấp. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy là cần thiết.

Theo đó, dự thảo Nghị định này gồm 7 chương với 39 điều, quy định về Tổ chức lực lượng cứu nạn, cứu hộ; Hoạt động cứu nạn, cứu hộ; Bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ; Phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác cứu nạn, cứu hộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra về Nghị định này, Ủy ban Quốc phòng- An ninh đồng ý về sự cần thiết ban hành Nghị định và cơ bản tán thành những nội dung quy định trong dự thảo Nghị định; tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo thống nhất với các Bộ, ngành chức năng để báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành khác và không xung đột với các luật có liên quan.

Về các tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ, có ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định đã đề cập đến 7 loại tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ, song một số tình huống có thể trùng lắp với tình huống cứu nạn, cứu hộ trên đường thủy nội địa, cứu nạn, cứu hộ tại cảng hàng không, sân bay, cứu nạn, cứu hộ trên biển và trong vùng nước cảng biển. Đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Ủy ban Quốc phòng- An ninh đã đề nghị chỉnh lý quy định trong Điều này để bảo đảm nguyên tắc những tình huống cứu nạn, cứu hộ đã được luật, pháp lệnh giao cho các bộ, ngành, cơ quan khác chủ trì thực hiện thì không quy định trong Nghị định này để không xáo trộn về tổ chức công tác cứu nạn, cứu hộ của các bộ, ngành khác, tránh gây lãng phí, tốn kém.

Về điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Quốc phòng- An ninh cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Nghị định về điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ để phát huy sức mạnh tổng hợp, ứng phó kịp thời mọi tình huống, giảm nhẹ mất mát, thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm sự tham gia của toàn xã hội vào công tác này.

Tuy nhiên, việc huy động lực lượng Quân đội tham gia cứu nạn, cứu hộ cần bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật về sử dụng lực lượng vũ trang. Do đó, đề nghị chỉnh lý lại nội dung này bảo đảm hiệu quả trong phối hợp nhưng phải quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng, gây sai sót trong quá trình thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi được điều động, huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định này. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đều cho rằng, công tác cứu nạn, cứu hộ có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người; tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.Việc ban hành Nghị định của Chính phủ vừa để nâng cao cơ sở pháp lý, vừa để quy định toàn diện, thống nhất về công tác chứ nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Nhất trí cao với việc ban hành Nghị định này, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo nên giải thích rõ ràng các khái niệm trong dự thảo Nghị định, cụ thể như khái niệm cứu hộ thông thường, cứu hộ khẩn cấp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại tất cả các văn bản dưới luật quy định về vấn đề này, để tránh chồng chéo, trùng lắp.

Đồng tình với điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Nghị định cần tránh trường hợp chồng chéo về thẩm quyền và cách xử lý với các văn bản của Ủy ban quốc gia về phòng chống cứu hộ cứu nạn, tránh những tranh cãi, khó khăn trong công tác thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị cần quy định rõ sự phân cấp, phối hợp giữa 3 cấp: Ủy ban quốc gia về cứu hộ cứu nạn, cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cơ quan dân phòng cơ sở tại chỗ khi xảy ra trường hợp cần cứu hộ, cứu nạn, nếu không sẽ gây khó khăn khi có sự cố xẩy ra. Đồng thời, Nghị định cần phải nói rõ có hay không sự thay đổi của bộ máy, nhân sự khi Nghị định đi vào thực hiện.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; đồng thời nhất trí với sự ban hành Nghị định này nhằm nâng cao cơ sở pháp lý và quy định toàn diện, thống nhất về công tác chứ nạn, cứu hộ của lực lượng Phòng cháy chữa cháy. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến phát biểu và nghiên cứu kỹ báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng- An ninh để chính lý hoàn thiện dự thảo Nghị định này.

Đặng Mai

Các bài viết khác