Thân thế và sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trường Chinh tên khai sinh là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 trong một gia đình trí thức yêu nước, có nền nếp ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thuỷ (nay là huyện Xuân Trường), tỉnh Nam Định. Ông nội là Đặng Xuân Bảng, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856), là một người học rộng tài cao, văn võ toàn tài, có tinh thần kiên quyết chống Pháp, từng làm Án sát, Tuần phủ ở một số tỉnh, sau làm đốc học Nam Định. Thân phụ là Đặng Xuân Viện, nổi tiếng trong việc viết sách và khảo cứu trên nhiều lĩnh vực.
Truyền thống gia đình, quê hương đất nước đã góp phần hun đúc tình cảm, lý tưởng cách mạng ở đồng chí Trường Chinh. Tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925 và gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng năm 1927, từ một người yêu nước, đồng chí sớm trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Trong những năm đầu hoạt động cách mạng, khi bị bắt, ở tù cũng như khi hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh luôn đem hết nghị lực, trí tuệ và nhiệt tình cách mạng để truyền bá cương lĩnh, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, góp phần to lớn vào thành công của cuộc vận động dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo trong những năm 1936 – 1939.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống chính trị, xã hội của Việt Nam. Do yêu cầu cấp thiết của cuộc cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời về nước để chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh đã tham gia quyết định đường lối chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, tập hợp các lực lượng yêu nước phát triển mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, khôi phục và phát triển cơ sở cách mạng. Cũng tại hội nghị này, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trưởng Ban Tuyên huấn kiêm chủ bút báo Cờ giải phóng và Tạp chí Cộng sản; Trưởng ban Công vận Trung ương. Trên cương vị này đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Đảng, đưa chính sách mới thâm nhập vào nhân dân, mở rộng Mặt trận Việt Minh, củng cố an toàn khu, tổ chức lực lượng vũ trang và thành lập các khu giải phóng. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo mà chỉ trong vòng nửa tháng, tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám đã giành được thắng lợi trong cả nước, chế độ dân chủ cộng hoà được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Sau cách mạng tháng Tám, dưới sự chèo lái tài tình của Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng xây dựng đường lối kháng chiến: toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cách sinh. Đường lối đó được đồng chí thể hiện trong tác phẩm “ kháng chiến nhất định thắng lợi”, là kim chỉ nam, bó đuốc soi đường cổ vũ nhân dân đấu tranh giành thắng lợi chống lại thực dân Pháp xâm lược.
Cố Tổng bí thư Trường Chinh thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2
Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được tái cử vào Ban chấp hành Trung ương, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến tháng 10-1956. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng.
Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, là uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng và là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, đồng chí Trường Chinh có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chuẩn bị và đưa ra các quyết sách chiến lược dẫn tới thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đưa cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, từ năm 1960 đến năm 1981, đồng chí Trường Chinh đã được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI. Từ năm 1981 đến năm 1987, đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước) và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 7/1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dù ở cương vị nào, ở đồng chí phong cách lãnh đạo sâu sát, gắn với thực tiễn, gần gũi, có tính nguyên tắc, tôn trọng tập thể, tôn trọng tổ chức, dân chủ với cấp dưới, trung thực, chân thành với đồng chí luôn là phẩm chất nổi bật. Do những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và đối với sự nghiệp tăng cường đoàn kết quốc tế, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương khác.
Cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trong những năm tháng hoạt động Quốc hội, là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Quốc hội Việt Nam xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy Nhà nước tăng cường các hoạt động quốc tế, góp phần quan trọng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, dốc lòng chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đồng thời tích cực chủ động chuẩn bị kế hoạch để tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam đang bị đặt dưới sự kiểm soát của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Xuất phát từ thực tiễn cách mạng, vấn đề đặt ra lúc này là phải sửa đổi Hiến pháp 1946 cho phù hợp với đặc điểm của giai đoạn cách mạng mới. Là thành viên của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1946, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện sự am hiểu sâu sắc trên lĩnh vực luật pháp, đặc biệt là khả năng tư duy nhạy cảm chính trị trên những vấn đề hết sức phức tạp cần thể hiện rõ trong Hiến pháp. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng thành công Hiến pháp 1959. Đây là bản Hiến pháp đã thể hiện sinh động và tập trung ý chí, nguyện vọng của nhân dân hai miền Nam - Bắc; định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội; cổ vũ động viên mạnh mẽ đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II diễn ra tại Hà Nội từ 7- 15/7/1960, đồng chí Trường Chinh (thứ nhất, từ trái sang)
được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giữ chức vụ này thời kỳ 1960-1975
Sau khi có Hiến pháp 1959, nhiệm vụ lớn đặt ra cho Quốc hội là phải xây dựng Nhà nước Việt Nam theo quy định của Hiến pháp, phù hợp với tình hình mới. Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc đảm bảo cho quyền lực Nhà nước được thực thi có hiệu quả. Để quyết định chính xác những vấn đề quan trọng của quốc gia, đồng chí đã chỉ đạo các cơ quan trong bộ máy nhà nước hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và giữ mối quan hệ theo luật định với các cơ quan dân cử; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong bộ máy nhà nước; phát huy vai trò của từng cơ quan, từng cá nhân đứng đầu theo quy định của Hiến pháp 1959.
Là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn đã được xác định, đồng chí đã lãnh đạo để Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện quyền giám sát, quyền thiết lập các chức năng quan trọng trong các cơ quan nhà nước theo quy định của Hiến pháp. Đồng chí cũng đã chỉ đạo sát sao hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là chỉ đạo việc tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện.
Trong suốt 20 năm, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ khoá II đến khoá VI) và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (khoá VII), đồng chí đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng 8 đạo luật (bao gồm cả Hiến pháp 1980); 7 nghị quyết do Quốc hội thông qua; 21 pháp lệnh và 34 nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Đây là bước tiến quan trọng trong chức năng lập pháp của Quốc hội, góp phần xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật ở nước ta, từng bước điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật trong thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc, vừa phải huy động sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam; vừa phải chống chiến tranh phá hoại tàn khốc của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, thực hiện thống nhất nước nhà.
Mùa xuân năm 1975, miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, ngày 15/11/1975 tại Hội nghị Hiệp thương chính trị Tổ quốc, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc, đồng chí đã đọc bản báo cáo đầy xúc động và mang tính lý luận về việc “thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước”. Đây thực sự là một công việc hệ trọng trong lịch sử đất nước. Nó không những đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc xây dựng nhà nước kiểu mới của người lao động, mà còn đánh dấu bước chuyển mình cơ bản của cả nước, từ việc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V (tháng 12/1975) đồng chí đã vui mừng báo cáo kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất tổ quốc. Quốc hội đã sôi nổi thảo luận và nhất trí thông qua nghị quyết phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương, mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.
Kế thừa thành quả và kinh nghiệm lịch sử của 5 nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa VI - Quốc hội chung của cả nước đã giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh về Quốc hội về nhà nước pháp quyền của dân, do nhân dân và vì dân. Được sự tín nhiệm của Đảng và nhân dân, Chủ tịch Trường Chinh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa VI. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới và đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử mới.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần thiết phải xây dựng bản Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất, cũng tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá VI, sau khi thảo luận đề nghị nêu trong báo cáo chính trị của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 2/7/1976 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Sau 4 năm nghiên cứu xây dựng, chỉnh lý, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và chặt chẽ của đồng chí, ban dự thảo Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980 đã được công bố để lấy ý kiến toàn dân. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI (ngày 18/12/1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp này. Đây là thành quả cách mạng của trí tuệ tập thể, trong đó đồng chí Trường Chinh có nhiều cống hiến to lớn trong việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân ta trước vận mệnh của dân tộc. Nhấn mạnh vai trò của Quốc hội với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, đồng chí Trường Chinh luôn quán triệt bài học sâu sắc “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, trước đây rất quan trọng, bây giờ càng quan trọng, đó là bài học lịch sử vô giá của cách mạng nước ta”[1]
Đồng chí Trường Chinh là một trong những học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, 3 lần được bầu làm Tổng Bí thư, 5 lần được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (từ khoá II đến khoá VI), đồng chí Trường Chinh đã nêu một tấm gương sáng về lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, cách làm việc khoa học, cẩn thận. Đồng chí là nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện rõ năng lực, phẩm chất của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, luôn kiên trì mục tiêu và đường lối cách mạng của Đảng, không ngừng góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội về mọi mặt đặc biệt là trên lĩnh vực lập Hiến, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn mà Đảng và nhân dân giao phó trong thời kỳ muôn vàn khó khăn của đất nước khi bị chia cắt và chiến tranh kéo dài.
[1] Bài nói của Đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị sẽ trình đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 7-1986.