Báo cáo tổng kết 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô của UBND TP nêu rõ, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển KT-XH, vị thế của Thủ đô tiếp tục được nâng cao. Kinh tế Thủ đô liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao theo hướng ổn định và bền vững, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng theo tinh thần của Pháp lệnh. Về văn hóa – xã hội, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục đào tạo với cơ sở vật chất từng bước hiện đại để Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của cả nước. Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể, mạng lưới y tế của thành phố được củng cố, cơ sở vật chất được tăng cường, các hình thức dịch vụ y tế trong khám bệånh chữa bệnh, phòng bệnh, cung ứng thuốc ngày càng được đa dạng hóa…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh Thủ đô cho thấy, khả năng thực thi của Pháp lệnh chưa cao, hiệu lực pháp lý của Pháp lệnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thủ đô. Do đó, việc xây dựng ban hành Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội đủ cơ sở pháp lý để quy hoạch, đầu tư, xây dựng và phát triển thủ đô, đồng thời giúp cho Hà Nội có không gian pháp lý riêng, nhằm thu hút đầu tư, hợp tác của các đối tác trong và ngoài nước, tăng cường sự quản lý của các cơ quannhà nước ở các cấp và sự giám sát của QH...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, việc nâng Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội lên thành Luật là một việc làm hết sức có ý nghĩa, do đó, trách nhiệm của Ban soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô là phải cố gắng để có một Luật xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô; để Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, để phát huy được tiềm năng của Thủ đô Hà Nội, về văn hóa, lịch sử… Từ đó, tạo động lực, tạo sự bứt phá của thủ đô trong phát triển KT-XH.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu bày tỏ, Dự thảo Luật Thủ đô phải tạo ra một cơ chế đặc thù, cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, thuận lợi hơn để thủ đô trong quá trình xây dựng và phát triển phù hợp với tinh thần của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới, phù hợp Nghị quyết 15 của Bộ chính trị, Nghị quyết 15 của QH năm 2008 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; Dự thảo Luật phải tạo được động lực mang tính đột phá, giải quyết được những vấn đề bức xúc trong quản lý, điều hành, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.