Khai mạc phiên họp thứ 6 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV

09/01/2017

Sáng 9/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp                                Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 6 của Ủy ban thường vụ Quốc hội được tiến hành trong 3 ngày từ  9- 11/1. Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 2 Nghị quyết gồm: Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 8 dự án Luật đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ II và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XIV bao gồm: dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); dự án Luật quản lý ngoại thương; dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án Luật quy hoạch; dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật cảnh vệ.

Cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể vốn cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.

Để đảm bảo chất lượng phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan dự họp đầy đủ, nghiêm túc, tích cực thảo luận và đóng góp những ý kiến có chất lượng vào các dự thảo trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp này.

Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 2. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Theo báo cáo, đến nay, các vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án luật bao gồm: phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước, mô hình cơ quan giải quyết, nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường, các chi phí khác được bồi thường, kinh phí bồi thường và lập dự toán kinh phí bồi thường.

Về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường và xác định cơ quan giải quyết bồi thường, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi theo phương án: cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Đồng thời, bổ sung “Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự” (khoản 3 Điều 35 dự thảo Luật) để thống nhất với quy định tại Điều 10 Luật thi hành án hình sự.

Tuy nhiên, về xác định trách nhiệm bồi thường của Tòa án, Viện kiểm sát trong trường hợp bản án của Tòa án tuyên bị cáo có tội bị Tòa án cấp cao hơn hủy, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; còn ý kiến khác nhau trong việc xác định cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.

Về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường, Ủy ban Pháp luật thống nhất giữ quy định về quyền yêu cầu bồi thường, nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường như Luật hiện hành. Theo đó, quy định rõ quyền của người bị thiệt hại trong việc lựa chọn yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết bồi thường theo quy định của Luật này hoặc khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường. Đồng thời, cho phép kết hợp giải quyết bồi thường ngay trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ quy định về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường như dự thảo Luật, theo đó không giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng để thống nhất một cơ chế giải quyết bồi thường.

Về kinh phí bồi thường và lập dự toán kinh phí bồi thường, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền phạt xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và một số nguồn thu hợp pháp khác; cơ quan quản lý bồi thường nhà nước quản lý, chi trả và quyết toán quỹ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Thường trực Ủy ban pháp luật nhận thấy, khoản tiền xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ là các khoản thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước. Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước thì “toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước” (khoản 2 Điều 8 Luật ngân sách nhà nước). Vì vậy, nếu thành lập Quỹ bồi thường độc lập thì các nguồn thu này vẫn phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó ngân sách nhà nước phân bổ cho Quỹ. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí một khoản tiền để thành lập Quỹ bồi thường nhà nước cần được hết sức cân nhắc. Mặt khác, nếu thành lập Quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Vì vậy, đề nghị giữ cơ chế về chi trả bồi thường như dự thảo Luật.

Thảo luận tại phiên họp, tán thành ý kiến của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động của nhà nước phải do ngân sách nhà nước đảm nhiệm. Nhà nước bồi thường oan sai phải lấy tiền từ ngân sách. Nếu người dân không hiểu rõ, phải giải thích cho người dân, lấy từ khoản nào, nguồn thuế, nguồn xử phạt, hay các khoản thu khác. Cá nhân hay tổ chức nhân danh nhà nước xử lý không đúng thì tiền bồi thường phải lấy từ ngân sách nhà nước. Không nên lập quỹ vì nước ta đã có quá nhiều quỹ, quỹ cũng trích từ ngân sách, hơn nữa việc thành lập quỹ lại làm tăng bộ máy biên chế.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho ý kiến, việc thành lập quỹ bồi thường nhà nước là cần thiết. Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; cử tri rất băn khoăn về vấn đề nhà nước lấy tiền ở đâu để bồi thường oan sai. Tiền bồi thường vẫn phải lấy từ ngân sách nhà nước, nhưng vẫn nên trích một phần ngân sách nhà nước để thành lập một quỹ độc lập. Nếu có sự tách bạch rõ ràng này thì người dân sẽ cảm thấy minh bạch hơn, tiền bồi thường oan sai không phải lấy từ tiền thuế họ đóng vào ngân sách.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, cơ quan nào gây ra oan sai, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Có ý kiến cho rằng, quá trình tố tụng có liên đới lẫn nhau giữa các khâu, các cơ quan. Nhưng quan điểm vẫn là cơ quan nào gây ra oan sai, cơ quan đó chịu trách nhiệm bồi thường. Sau này xem xét trách nhiệm liên đới sẽ xác định việc bồi hoàn cụ thể.

Về trình tự giải quyết bồi hoàn, giữa cơ quan Chính phủ, cơ quan thẩm tra và cơ quan khác có quan điểm khác nhau. Cơ quan Chính phủ muốn thực hiện qua cơ quan giải quyết bồi thường, sau đó muốn thỏa thuận thế nào sẽ thực hiện tiếp. Nhưng đa số ý kiến hiện nay tán thành với việc tôn trọng quyền lựa chọn của người bị oan sai, tạo cho người dân có nhiều cơ hội hơn để bảo về quyền lợi của mình.

Về việc thành lập quỹ bồi thường, đa số ý kiến nhất trí không nên lập quỹ, do tất cả nguồn thu đưa vào quỹ đó là nguồn thu của ngân sách nhà nước. Việc lập dự toán là phù hợp, nhưng theo Luật Ngân sách Nhà nước không thể để Bộ Tài chính lập dự toán hàng năm, vì cơ quan nào chi thì cơ quan đó phải lập dự toán. Tuy nhiên, như vậy sẽ có quá nhiều đầu mối, quá phức tạp, khó lập dự toán đúng thời gian. Đề nghị các cơ quan nghiên cứu, trao đổi thêm để thống nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình ra các phiên họp tiếp theo.

Vân Ngọc

Các bài viết khác