Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương tăng mức lương cho Tổng Kiểm toán nhà nước

22/12/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, sáng 22/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2017-2020 và Đề án của Kiểm toán nhà nước về chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ ưu tiên đối với cán bộ công chức của Tổng Kiểm toán nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp        Ảnh: Đình Nam

Đề nghị nâng bậc lương cho Tổng Kiểm toán Nhà nước

Theo Báo cáo tóm tắt tờ trình của Tổng Kiểm toán nhà nước, bảng lương Tổng Kiểm toán nhà nước hiện nay có 2 bậc lương: Bậc 1 (9,70), Bậc 2 (10,30). Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Kiểm toán nhà nước  năm 2015 nhiệm vụ và trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước cao hơn, nặng nề hơn so với Luật Kiểm toán nhà nước năm 2006. Tuy nhiên, bậc lương của Tổng Kiểm toán nhà nước hiện nay vẫn chưa được sửa đổi để tương xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm được giao.

Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Kiểm toán nhà nước là một cơ quan Hiến định độc lập; Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định nhiệm vụ và trách nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước cao hơn, nặng nề hơn so với Luật Kiểm toán nhà nước năm 2006. Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước  do Quốc hội bầu, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đối với kết luận, kiến nghị của ngành về sai phạm của đơn vị được kiểm toán và thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Vì vậy, cần quy định bậc lương mới đối với Tổng Kiểm toán nhà nước để tương xứng với vị thế, trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước  đã được Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán nhà nước  năm 2015 quy định.

Trên cơ sở đó, Kiểm toán nhà nước đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định Bảng lương mới: Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ có 02 bậc lương: Bậc 1 (9,80), Bậc 2 (10,40), cao hơn mức hiện hành 0,1 (mức hiện hành bằng lương bộ trưởng).

Hai phương án tăng lương

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày đưa ra 2 loại ý kiến khác nhau về đề nghị quy định bảng lương mới của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra       Ảnh: Đình Nam

Theo đó, đa số ý kiến cho rằng, Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, hiện nay chức danh Tổng Kiểm toán nhà nước chưa được quy định trong Bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước ban hành theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; đồng thời, với địa vị pháp lý mới của Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về chất lượng, nội dung chuyên môn, nghiệp vụ đối với toàn bộ nhiệm vụ được Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước quy định. Vì vậy, đa số ý kiến của Ủy ban Tài Chính- Ngân sách đồng tình với quy định mức lương của Tổng Kiểm toán nhà nước có 02 bậc, mỗi bậc tăng 0,1 so với hiện hành như đề xuất. Nghĩa là, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ có 02 bậc lương: Bậc 1 (9,80), Bậc 2 (10,40).

Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị, cần tăng mức lương của Tổng Kiểm toán nhà nước lên cao hơn nữa, tương đương mức lương của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao (Bậc 1, hệ số lương 10,4; Bậc 2, hệ số lương 11,00), vì cùng là người đứng đầu cơ quan hiến định độc lập, do Quốc hội bầu.

Ủy ban thẩm tra cũng cho biết, Bộ Nội vụ đã có văn bản cho rằng, mức lương chức vụ của Tổng Kiểm toán nhà nước  nên đưa vào đề án tiền lương trình Trung ương xem xét, thông qua (dự kiến vào tháng 5/2018). Tuy nhiên, Ủy ban Tài Chính- Ngân sách nhận thấy, theo quy định tại điều 62 của Luật Kiểm toán nhà nước thì việc xác định mức lương của Tổng Kiểm toán nhà nước thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nên xem xét và quyết định kịp thời.

Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, về lâu dài sẽ đưa bảng lương của Tổng Kiểm toán nhà nước vào đề án tiền lương, còn trước mắt nếu đề nghị của Kiểm toán nhà nước được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý thì Bộ Nội vụ sẽ chấp hành. Đại diện Bộ Tài chính cũng ủng hộ và cho rằng, dù mức tăng này không cao nhưng cũng góp phần thể hiện được vị thế của Tổng Kiểm toán.

Qua thảo luận, quan điểm chung của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định mức lương mới của Tổng Kiểm toán như đề xuất là hợp lý khi điều kiện, địa vị pháp lý và nhiệm vụ của Tổng Kiểm toán nhà nước đã được nâng lên. Tuy nhiên để đảm bảo mặt bằng chung và phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương hiện nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến trình Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương Trung ương nghiên cứu, xem xét trước khi quyết định.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Tổng Kiểm toán nhà nước là một cơ quan hiến định, hoạt động độc lập và có nhiệm vụ rất quan trọng do Quốc hội bầu và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nên đề nghị mức lương của Tổng Kiểm toán nhà nước phải tương đương với mức lương của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Bên cạnh đó, khi đưa bảng lương của Tổng Kiểm toán vào đề án trình Trung ương cần nhìn nhận đúng vai trò của Tổng Kiểm toán - người đứng đầu cơ quan hiến định độc lập.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp            Ánh: Đình Nam

Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, mặc dù quyết định mức lương của Tổng Kiểm toán thuộc thẩm quyền Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng vẫn nên để Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương Trung ương có sự xem xét tính đặc thù ngành Kiểm toán nhà nước trong tổng thể chung với các ngành khác, rồi cân nhắc mức lương của Tổng Kiểm toán sẽ tương đương Bộ trưởng hay cao hơn, hay ngang với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân  tối cao... Sau đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới quyết định chính thức.

Trên cơ sở đề nghị của Kiểm toán nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương trung ương nghiên cứu, xem xét về vấn đề này vào tháng 5/2018, khi nào có quyết định thì sẽ ban hành Nghị quyết chính thức.

Thu Phương