Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình Ảnh: Đình Nam
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016). Đây là một bước tiến quan trọng, góp phần thiết thực khắc phục những hạn chế trong quá trình thực thi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (ban hành năm 2003), nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, và đại biểu Quốc hội, bảo đảm trình tự, thủ tục các hoạt động giám sát được thực hiện thống nhất thì một số nội dung trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần được quy định chi tiết hơn.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết sẽ được ban hành kèm theo dự thảo Quy chế “Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội”. Dự thảo Quy chế này gồm có 7 chương, 54 điều, quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; điều hòa hoạt động của các đoàn giám sát chuyên đề, hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội; xem xét việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát; một số nội dung về công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ hoạt động giám sát.
Theo dự thảo Nghị quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết và các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Quy chế nhằm bảo đảm thực hiện thẩm quyền về giám sát và tổ chức hoạt động giám sát của UBTVQH do Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Luật HĐGS) quy định, góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát.
Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật hồ sơ dự thảo Quy chế đầy đủ theo quy định. Dự thảo Quy chế được xây dựng công phu, nội dung bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật HĐGS, các luật, nghị quyết có liên quan khác và thực tiễn hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong các nhiệm kỳ gần đây..
Về quy định trần số lượng một số hoạt động giám sát, Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm cần quy định cụ thể về trần số lượng một số hoạt động của Đoàn giám sát (như về số lượng chuyên đề; số lượng các đoàn công tác, số thành viên tối thiểu của mỗi đoàn công tác; số địa phương đến giám sát của Đoàn giám sát; số lượng, thành phần tham dự, thời gian trình bày báo cáo khi tổ chức hội thảo, tọa đàm...) vào trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị không quy định những nội dung quá chi tiết như thời gian tổ chức hội thảo, tọa đàm, số lượng đại biểu, thời gian trình bày tham luận… mà nên để Trưởng Đoàn giám sát xem xét, quyết định linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng tình với cơ quan thẩm tra về vấn đề này, đa số các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều cho rằng, việc quy định các nội dung mang tính định lượng là cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hiện nay, đồng thời, tạo thuận lợi cho các cơ quan trong quá trình thực hiện, góp phần tổ chức hoạt động giám sát thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, căn cứ từ thực tiễn hoạt động giám sát các nhiệm kỳ vừa qua, việc quy định trần số lượng một số hoạt động giám sát là cần thiết để quy trình xây dựng kế hoạch giám sát được thực hiện một cách chủ động. Tuy nhiên, các vấn đề về thời gian, số lượng đại biểu… thì tùy vào tính chất, nội dung, phạm vi của hoạt động giám sát mà giao cho Trưởng Đoàn giám sát xem xét, quy định cụ thể vấn đề này cho sao cho linh hoạt và phù hợp.
Về thể thức văn bản thành lập đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Ban soạn thảo về việc quy định Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập đoàn giám sát. Vì trên thực tế, văn bản do Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội là các cơ quan hoạt động mang tính tập thể ban hành thường được thể hiện theo hình thức nghị quyết, ví dụ: Quốc hội, UBTVQH ban hành nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm, nghị quyết về chất vấn, nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề…; việc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát cũng được thể hiện bằng nghị quyết. Mặt khác, khoản 1 Điều 52 của Luật HĐGS (“Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề”) không đề cập về hình thức văn bản “quyết định” mà nhằm quy định về hành vi pháp lý trong việc quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề. Do đó, việc Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát là phù hợp với thực tiễn và không trái với quy định của Luật.
Về việc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Quy chế và nhận thấy đây là cách làm thực tế hiện nay. Ưu điểm của cách làm này là rút ngắn được thời gian xem xét dự kiến chương trình giám sát, đồng thời, việc xem xét về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội cùng với xem xét dự kiến chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thuận lợi cho việc điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát nói chung, bảo đảm sự gắn kết giữa hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tổng thể giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban pháp luật đề nghị không quy định trong dự thảo Quy chế một số nội dung quá cụ thể mang tính hành chính, kỹ thuật như: địa điểm tổ chức các cuộc làm việc của Đoàn giám sát, trình tự tiến hành cuộc làm việc của Đoàn giám sát (tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, phát biểu, điều hành…) (Điều 27 và Điều 28), các nội dung chi tiết trong Đề cương báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Đề cương báo cáo kết quả giám sát (khoản 2 và khoản 3 Điều 30), giúp việc các đoàn công tác (Điều 38), các nội dung liên quan tới bố trí chỗ ngồi, bố trí biển tên, hoa tươi, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng, cách thức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu... tại các cuộc làm việc của Đoàn giám sát, việc bố trí xe phục vụ Đoàn giám sát (Điều 39)…
Thảo luận tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với ý kiến của Ủy ban thẩm tra về các nội dung liên quan đến quy định trần số lượng một số hoạt động giám sát; thể thức văn bản thành lập đoàn giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội; việc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; về tổ chức phiên họp chất vấn; hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội…
Tuy nhiên, về quy định tổng hợp, theo dõi việc trả lời kiến nghị cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải không tán thành với quy định tại khoản 1 tại Điều 51 của Quy chế và đề xuất bỏ quy định “Bản điện tử được gửi đồng thời đến Văn phòng Quốc hội qua Vụ Phục vụ hoạt động giám sát để phục vụ hoạt động chất vấn”; thay vào đó là quy định phối hợp với Ban Dân nguyện để chuẩn bị các nội dung của việc tổng hợp kiến nghị cử tri. Bởi đây là lĩnh vực mà ban Dân nguyện phụ trách, đã có chuyên môn và kinh nghiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp Ánh: Đình Nam
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Ban Dân nguyện là cơ quan chuyên môn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề tổng hợp, theo dõi việc trả lời kiến nghị cử tri. Do đó cần quy định Ban Dân nguyện là kênh thông tin chính để làm căn cứ lựa chọn các vấn đề chất vấn.
Liên quan đến công tác tổ chức phục vụ Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, giám sát khác hoàn toàn với thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nên quy định phải thống nhất làm sao nâng cao hiệu quả và gọn nhẹ. Do vậy, thực hiện giám sát phải trên tinh thần gọn nhẹ, có chiều sâu, tiết kiệm và hiệu quả.
Về vấn đề “hậu giám sát”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, thời gian trả lời chất vấn bằng văn bản cần quy định rõ từ 3-5 ngày sau phiên chất vấn. Ngoài ra, đối với quy định người được chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn thay mình cũng cần mềm dẻo. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong những trường hợp đặc biệt người được chất vấn có nhiệm vụ quan trọng khác không thể không thực hiện trả lời chất vấn ngay, có thể báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp tiếp thu đầy đủ, rà soát kỹ nội dung, hoàn chỉnh văn bản trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua vào phiên họp tiếp theo.