Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giám sát về an toàn thực phẩm tại Bình Dương

12/12/2016

Chiều 12.12, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Phùng Quốc Hiển, Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2015 đã làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về nội dung này.

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; lãnh đạo Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Liêm...

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh về quản lý an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2011 - 2016 được cụ thể hóa bằng 4 chỉ thị, 10 quyết định và các kế hoạch, chiến lược dài hạn khác. Công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm đã được UBND tỉnh quán triệt và quyết liệt triển khai thường xuyên, liên tục, và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chuyên môn. Do vậy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, cơ bản kiểm soát được những nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được giảm thiểu, cơ bản kiểm soát được vấn đề mất an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động ở các tuyến không ngừng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về an toàn thực phẩm đã tương đối đầy đủ, song nhìn cả giai đoạn 2011 - 2015, thì việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm còn chậm, số lượng cũng chưa nhiều. Tại địa phương, việc phân công quản lý giữa ngành y tế, công thương và nông nghiệp vẫn còn chồng chéo, thậm chí có xu hướng đùn đẩy giữa các cơ quan trong quản lý cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm được ban hành còn thiếu và chưa đáp ứng được sự đa dạng của thực phẩm. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị, QH cần tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, đặc biệt là với vấn đề bố trí kinh phí. Chính phủ cần tiếp tục cho mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các tỉnh, cũng như bố trí đủ ngân sách theo kế hoạch của dự án an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc làm việc

Ghi nhận các kiến nghị của Bình Dương, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dân số đông, kinh tế phát triển nhanh, nhu cầu sản xuất, phân phối, tiêu dùng lớn, tạo nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Bình Dương đã có nhiều cố gắng, cung cấp tương đối đầy đủ các thông tin Đoàn giám sát yêu cầu. Công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, có nhiều cố gắng trong phát hiện sai phạm và kịp thời chấn chỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, việc kiểm soát sử dụng chất cấm trong sản xuất trên địa bàn còn hạn chế. Việc kiểm soát tại chỗ chưa được chú ý thực hiện, hồ sơ lưu lại cơ sở sản xuất chưa đầy đủ, nên không có căn cứ để truy xuất nguồn gốc khi có vụ việc xảy ra. Công tác kiểm tra tiến hành thường xuyên, song do nhiều nguyên nhân còn mỏng, chỉ bảo đảm 30 - 40% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chưa kiểm soát được các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bình Dương cần có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giải quyết vấn đề gây bức xúc trong xã hội này, không để xảy ra lại các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể như thời gian qua.

+ Trước đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chia làm 4 tổ đến khảo sát, kiểm tra thực địa tại 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối, kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến... trên địa bàn Bình Dương. Ngoài các địa điểm đã xác định trước, một số tổ giám sát đã thực hiện kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm nắm bắt chính xác, đầy đủ hơn việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại Bình Dương.

(Theo Báo ĐBND)

Các bài viết khác