Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Thanh Hóa

11/01/2010

Ngày 9 – 10.1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa

Ngày 9 – 10.1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ cho việc chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

 

 

Tham dự Đoàn Công tác có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Tiểu ban, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Tiểu ban, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Tạ Ngọc Tấn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt; Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Nguyễn Văn Đặng; Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Hoàng Chí Bảo...

 

Báo cáo với Chủ tịch QH và Đoàn Công tác, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Ngọc Hân cho biết, thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, hơn 20 năm qua, Thanh Hóa đã khẳng định vị thế của kinh tế hộ; đẩy mạnh giao đất, giao rừng, xác lập đầy đủ các quyền của người sử dụng đất, tạo ra động lực mới, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. Tập trung chỉ đạo việc đổi mới, sắp xếp cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Hiện nay, tỉnh có gần 5.500 doanh nghiệp, gấp 12 lần so với năm 1991. Các hợp tác xã kiểu cũ được tổ chức lại và chuyển sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã với hơn 1.000 hợp tác xã, tăng gần 75% so với đầu năm 2002. Một số mô hình hợp tác giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn kết các thành phần kinh tế được hình thành, trong đó tiêu biểu là mô hình tại Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn. Kinh tế trang trại phát triển nhanh. Tuy quy mô còn nhỏ, nhưng kinh tế trang trại đã thể hiện được lợi thế vượt trội so với kinh tế hộ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm.

 

Ban thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, về vai trò và phương thức can thiệp của nhà nước vào thị trường; phân định rõ chức năng của nhà nước và chức năng của thị trường trong cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cương lĩnh năm 1991 đã quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, nông thôn hiện còn nhiều, trong khi đó, bình quân đất đai cho một người lại thấp, cơ chế chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn chưa rõ. Đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn đến chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, Quan tâm tăng thêm diện tích đất canh tác bình quân trên đầu người, tạo điều kiện cho việc tập trung ruộng đất để nông nghiệp có điều kiện ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất...

 

Đoàn Công tác đã đặt câu hỏi và đề nghị Ban thường vụ tỉnh ủy làm rõ một số nội dung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm từ gần 50% năm 1991 xuống còn hơn 27% năm 2009. Tỷ trọng công nghiệp tăng từ hơn 19% lên gần 39%; dịch vụ tăng từ hơn 31% lên hơn 34%. Nhưng từ thực tế chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Thanh Hóa, thế nào là kinh tế thị trường định hướng XHCN? Thời gian qua, có ý kiến cho rằng, chúng ta đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng định hướng XHCN đã có chưa? Tăng trưởng kinh tế, song giá trị tinh thần đạo đức bị xuống cấp, có phải không? Vai trò của nhà nước đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa như thế nào? Khá lên hay kém đi? Chúng ta vẫn nói, kinh tế nhà nước là chủ đạo, nhưng vai trò chủ đạo ở đây có nghĩa là kinh tế nhà nước giữ vai trò chi phối, hay chỉ giữ vai trò động lực, mở đường, tạo điều kiện để hỗ trợ, làm bà đỡ cho sự phát triển của các thành phần kinh tế khác? Quan hệ lợi ích giữa công nghiệp và nông nghiệp, lợi ích của nông dân trong quá trình CNH – HĐH trên địa bàn như thế nào? Quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ra sao? Khi thực hiện tích tụ ruộng đất, một bộ phận nông dân phải ly nông là tất yếu, nhưng ly nông như thế nào, có ly hương hay không? Thời gian qua, nhà nước đã tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế cả nước phát triển. Thực tế việc thực hiện chủ trương này ở Thanh Hóa như thế nào? Tác động lan tỏa từ vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ) đối với địa phương ra sao?...

 

Những năm qua, Đảng bộ Thanh Hóa đã tập trung nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của tổ chức cơ sở Đảng trong lãnh đạo phát triển KT – XH, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ban thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư Đảng ủy đồng thời giữ chức Chủ tịch UBND ở 11 đơn vị cấp xã. Đoàn Công tác đề nghị, Ban thường vụ tỉnh ủy làm rõ sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên địa bàn? Quan điểm của Thanh Hóa trong việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã? Trên cơ sở Quy định của Trung ương về đảng viên làm kinh tế tư nhân, các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân ở Thanh Hóa phát triển khá nhanh. Hiện nay, toàn tỉnh có 86 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân, Thanh Hóa có vướng mắc, khó khăn gì hay không? Hướng sắp tới của tỉnh về chủ trương này như thế nào? Qua tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp đồng bào dân tộc Mường, Thái... trên địa bàn, có thể thấy, đồng bào đều bày tỏ hồ hởi, tin tưởng vào Đảng, vào Nhà nước. Vậy thực tế, lòng tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh với Đảng như thế nào? Bà con có tâm tư, kiến nghị gì hay không?...

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định, qua chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa, Đoàn đã nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của tỉnh, những đặc điểm lớn cơ bản và nhiều bước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực của tỉnh. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, với diện tích tự nhiên lớn thứ hai trên cả nước và nhiều điều kiện thuận lợi, Thanh Hóa đang vươn lên, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối Đổi mới của Đảng và Nhà nước. GDP bình quân đầu người năm 2009 tăng 4,2 lần so với năm 1991. Sản lượng lương thực có hạt tăng gấp 2 lần; sản lượng thủy sản tăng gấp 3,7 lần so với năm 1991... Đời sống của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa từ thành phố cho đến nông thôn hay các bản làng miền núi đang thay đổi rõ rệt. Lòng tin của phần lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đối với các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước được khẳng định. Qua thực tế ở Thanh Hóa cho thấy, CNH – HĐH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm bớt tỷ lệ nông nghiệp... là chủ trương đúng đắn. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, hay kinh tế thị trường định hướng XHCN là đúng đắn. Tất nhiên, đây là những vấn đề lớn và còn tiếp tục phải nghiên cứu, tổng kết, nhưng kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình mới, là sáng tạo của Việt Nam vừa chịu tác động của quy luật sản xuất hàng hóa vừa tuân theo quy luật định hướng XHCN, bảo đảm lợi ích cho tuyệt đại đa số nhân dân. Nền kinh tế định hướng XHCN phục vụ lợi ích cho đại đa số nhân dân lao động, khác với bản chất của tư bản chủ nghĩa.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, qua triển khai thực hiện chủ trương, đường lối Đổi mới của Đảng ở Thanh Hóa, chúng ta có thể tiếp tục khẳng định chủ trương kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo là đúng đắn. Phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, chứ không chỉ chăm lo phát triển kinh tế. Bởi lẽ, xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, con người, tư tưởng tổ chức cán bộ để bảo đảm đường lối phát triển kinh tế vào cuộc sống. Qua thực tế ở Thanh Hóa có thể rút ra kinh nghiệm là muốn lãnh đạo, chỉ đạo tốt phải năng động, chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, sâu sát với quần chúng và quan tâm tới công tác tổng kết. Đây là những yếu tố quan trọng đóng góp để xây dựng và cho ra đời những chủ trương, đường lối đúng đắn, sát thực tiễn. 

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị, từ những thành quả đã đạt được sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Thanh Hóa tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn xung quanh vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu lao động; tích tụ ruộng đất; tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp đến đâu là phù hợp? Quy hoạch phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của địa phương đến đâu là vừa phải? Tập trung đầu tư vào vùng nào để tránh dàn trải, phát huy được lợi thế và đạt hiệu quả?  Xung quanh vấn đề sở hữu và quyền sử dụng ruộng đất ở địa phương như thế nào? Từ đó có kiến nghị gì với Trung ương trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, chính sách đất đai? Vai trò và phương hướng đổi mới kinh tế hợp tác xã trong thời kỳ mới? Đây là vấn đề lớn và cũng còn không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện... Chúng ta nói, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, hạn chế phân cực giàu nghèo. Vậy, thế nào là phân cực giàu nghèo? Thực tế ở Thanh Hóa vấn đề phân cực giàu nghèo như thế nào? Giữa các vùng, các đối tượng trên địa bàn, tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo là bao nhiêu... Đây đều là những vấn đề lớn, khó và cần tiếp tục được nghiên cứu, giải đáp trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

 

+ Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Công tác đã thăm, nắm tình hình thực tiễn tại xã Ngọc Phụng, Thường Xuân; Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn; thăm mô hình hợp tác giữa Nhà máy cổ phần mía đường Lam Sơn với nông dân trên địa bàn xã Cẩm Châu, Cẩm Thủy; Nhà máy ô tô VEAM thuộc Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam; Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng; Công trình thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt...

 

Công ty đường Lam Sơn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được đầu tư xây dựng từ những năm đầu của thập niên 80, thế kỷ XX. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã từng có thời kỳ đứng trên bờ vực phá sản vì không có nguyên liệu, thiếu vốn, công nhân không có việc làm... Năm 1999, thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, cụ thể là chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Công ty đường Lam Sơn đã chuyển thành Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Lasuco). Đây là doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước nông dân được mua cổ phần của nhà máy và hưởng quyền lợi như công nhân. Theo Báo cáo của Công ty, sau cổ phần hóa, sản xuất kinh doanh liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt 18%/ năm. Vùng nguyên liệu mía được mở rộng hơn. Quan hệ hợp tác công – nông – trí thức tiếp tục được phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình CNH – HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn. Công ty là đơn vị duy nhất trong ngành mía đường Việt Nam thực hiện có hiệu quả việc ký hợp đồng đầu tư ứng trước bao tiêu sản phẩm với gần 30.000 hộ nông dân trên địa bàn 112 xã và 4 nông trường thuộc 11 huyện phía Tây Bắc của tỉnh. Sở dĩ đạt được những kết quả nêu trên là kết tinh của mối quan hệ hợp tác liên kết công – nông – trí, là sự nỗ lực phấn đấu lao động sáng tạo của Đảng bộ, cán bộ công nhân viên và người lao động trong Công ty cũng như nông dân trồng mía trong vùng.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Lasuco đã đạt được trong thời gian qua; cho rằng, Lasuco đã có ý thức trong việc gắn kết công nghiệp với nông nghiệp, phát triển liên minh giai cấp công – nông, gắn bó với dân, dựa vào dân và giúp nông dân giải quyết khó khăn, vươn lên làm giàu, xây dựng và phát triển vùng mía. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Công ty tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và đề xuất với tỉnh, với Trung ương về vấn đề phát triển liên minh giai cấp công – nông trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đặc biệt là quan hệ phân phối lợi ích giữa người nông dân trồng mía – công nhân – nhà máy – nhà nước. Thực tế mô hình hợp tác giữa Lasuco với nông dân trong vùng cho thấy, nhà máy và nông dân cần dựa vào nhau, gắn kết chặt chẽ; coi trọng quan hệ phân phối lợi ích. Đây vừa là mục đích vừa là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác